Trước thời điểm Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/01/2021, xuất phát từ yêu cầu công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết tối thiểu 2 năm mới có quyền nộp hồ sơ đăng ký niêm yết khi đáp ứng các điều kiện niêm yết chứng khoán, sẽ xuất hiện hàng loạt mã cổ phiếu đăng ký chuyển sàn giao dịch từ sàn Upcom sang HoSE. Từ nay đến cuối năm, dự báo số lượng doanh nghiệp chuyển sàn sẽ ngày càng nhiều lên để phù hợp với quy định hiện hành trước khi Luật Chứng khoán mới có hiệu lực.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), mã chứng khoán LPB, cho biết đã được HoSE chấp thuận nguyên tắc niêm yết cổ phiếu và đang ráo riết chuẩn bị cho việc niêm yết trên sàn chính thức trong những tháng cuối năm nay, trước thời điểm Luật chứng khoán có hiệu lực.
Theo hồ sơ niêm yết, LienVietPostBank sẽ niêm yết gần 977 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 9.770 tỉ đồng. Tổ chức tư vấn niêm yết cho LienVietPostBank là Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt.
Đại diện LienVietPostBank cho biết do chuẩn bị kỹ càng và dự kiến LPB sẽ là ngân hàng đầu tiên chào sàn HoSE trong năm 2020, việc niêm yết nhằm nâng cao tính thanh khoản, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông đồng thời đưa cổ phiếu ngân hàng vào danh mục đầu tư của các quỹ ETF trên thị trường chứng khoán.
Dự kiến sau LienVietpostBank, các “đồng đội” VIB, SHB, ACB sẽ tiếp tục niêm yết hoặc chuyển sàn từ HNX sang HoSE.
Vừa qua Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng được cổ đông thông qua việc niêm yết trên sàn HoSE trong năm nay.
Tổng giám đốc NH VIB cho biết VIB đã niêm yết trên sàn UPCoM từ năm 2017. Tuy nhiên các cổ đông đều mong muốn chuyển lên sàn lớn hơn là HoSE. Nhưng để niêm yết chính thức lên sàn HoSE cần một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị và điều này có thể ảnh hưởng đến một số kế hoạch tăng vốn. Chẳng hạn như phát hành cổ phiếu riêng biệt cho cổ đông mới hay chia cổ phiếu thưởng.
“NH phải cân đối vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tăng vốn khác khi phải dừng lại để chuyển từ sàn UPCoM sang sàn HoSE. Do vậy kế hoạch chuyển sàn có thể được thực hiện trong năm 2019 nếu trong trường hợp các hoạt động tăng vốn không bị ảnh hưởng. Còn trong trường hợp có những thương thảo với các cổ đông mới để mua cổ phần của VIB đòi hỏi thời gian chuẩn bị không gián đoạn thì chúng tôi sẽ lùi lại đến cuối năm 2020”, ông Vũ nói.
Trả lời cổ đông tại đại hội, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết trong những năm qua, NH đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ bán buôn sang bán lẻ. Cụ thể, dư nợ bán lẻ từ mức 27.000 tỉ đồng năm 2016 đã tăng lên mức 50.000 tỉ đồng năm 2017 và ở mức 74.000 tỉ đồng vào năm 2018. VIB cũng đặt mục tiêu trở thành một trong những ngân hàng dẫn đầu về mảng bán lẻ, đặc biệt là sản phẩm cho vay mua ô tô và cho vay mua nhà.
Lãnh đạo VIB cho rằng đây là thông tin rất tích cực cho nhà đầu tư, khi cổ phiếu VIB nhiều năm qua được đánh giá trong nhóm cổ phiếu ngân hàng được săn đón nhưng nhiều tổ chức và các quỹ lớn chưa đưa được vào danh mục đầu tư do vẫn còn niêm yết trên UpCOM.
Tới đây, VIB sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 6-10.
Trước đó, cổ đông SHB cũng đã đồng thuận đưa cổ phiếu từ HNX sang giao dịch trên HoSE, còn thời gian cụ thể sẽ giao HĐQT SHB thực hiện. Cổ đông ACB cũng thông qua việc chuyển sàn từ HNX sang HoSE.
Ngoài ra, Ngân hàng Nam Á vừa qua cũng đã đăng ký giao dịch cổ phiếu NAB trên thị trường UPCoM tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Hiện hơn 389 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Nam Á đã được lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), với mã chứng khoán NAB. Giá trị chứng khoán đăng ký tương đương hơn 3.890 tỉ đồng. Cổ đông lớn nhất của Nam Á là Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương với tỉ lệ sở hữu gần 11% và chưa có cổ đông lớn nước ngoài.
Nếu tính cả tân binh LienVietPostBank và NAB, tới đây toàn thị trường sẽ có 11 ngân hàng niêm yết chính thức, gồm VCB, CTG, BID, MBB, EIB, STB, TCB, HDB, TPB, VPB. 3 ngân hàng trên HNX là ACB, SHB, NVB và LienVietPostBank.
Trên thị trường chứng khoán nói chung, các cổ phiếu ngân hàng gần đây tạo “sóng” khá mạnh, với giá hàng loạt cổ phiếu tăng cao như MBB của MB, STB của Sacombank, SHB của SHB, LPB của LienVietPostBank…
Cương Nguyễn
( Tổng Hợp)
Theo Phụ Nữ Mới