Việc có được 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế với hỗ trợ lãi suất 4% từ nhà nước là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ này đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng gói hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng và hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu hỗ trợ 4%/năm thì có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, sau đó tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau.
Liên quan đến quá trình triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất sắp tới, các chuyên gia cho rằng, ngay cả như các quốc gia phát triển như Mỹ vẫn xảy ra sai sót trong việc hỗ trợ thì Việt Nam cũng cần phải chấp nhận mức độ sai sót nhất định trong quá trình triển khai. Bởi nếu coi sai sót đó là vấn đề hình sự hóa và quy trách nhiệm hình sự thì sẽ rất khó triển khai gói do cả ngân hàng và doanh nghiệp e sợ không dám triển khai, như vậy là gói không thực hiện được.
Theo TS.Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, không cào bằng trong việc hỗ trợ, thay vào đó cần có sự đánh giá một cách chính xác đối tượng bị tác động của dịch bệnh từ đó có những hỗ trợ phù hợp kể cả lãi suất cũng như các chính sách khác. Bởi thứ nhất, nguồn ngân sách có hạn, thứ hai là dễ dẫn đến việc hỗ trợ không công bằng. Đó là chưa kể đến việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng khai báo không trung thực để được hỗ trợ.
TS.Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia cho rằng, 1 triệu tỷ đồng là con số “e rằng quá lớn”. Theo ông Lực, không nên hỗ trợ đến mức 1 triệu tỷ đồng thông qua gói hỗ trợ lãi suất bởi, con số 1 triệu tỷ đồng rất lớn có thể dẫn tới việc hỗ trợ đại trà và vượt quá khả năng ngân sách nhà nước. Về mức lãi suất hỗ trợ, ông Lực cho rằng hỗ trợ lãi suất chỉ nên cân nhắc không quá 3%/năm. Lý do, theo TS.Cấn Văn Lực với mức hỗ trợ lãi suất lớn có thể dẫn tới việc trục lợi chính sách, doanh nghiệp vay đem đi đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán… gây rủi ro cho nền kinh tế; hoặc đem gửi lại ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất như một số thực trạng đã diễn ra khi thực hiện gói hỗ trợ lãi suất hồi năm 2009.
Như vậy, thay vì đưa vào nền kinh tế 1 triệu tỷ đồng như đề cập của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trước Quốc hội, theo vị chuyên gia này, Chính phủ có thể cân nhắc gói hỗ trợ lãi suất tổng giá trị 20.000 tỷ đồng trong 2 năm và mức hỗ trợ lãi suất là 3%/năm. Tức là, thay vì tung 1 triệu tỷ đồng, thì chỉ cần tung ra 667.000 tỷ đồng trong 2 năm, tương đương mỗi năm chỉ đưa vào nền kinh tế khoảng 330.000 tỷ đồng. Một thực tế không thể phủ nhận là tính minh bạch trong các chính sách còn hạn chế. Vì vậy, nếu gói hỗ trợ không triển khai trên diện rộng cho tất cả các đối tượng, thay vào đó lựa chọn đối tượng doanh nghiệp để hỗ trợ liệu có tránh được các vấn đề nhạy cảm, xin – cho, trục lợi chính sách hay không?
Ngân sách muốn tài trợ cho doanh nghiệp thì nên tìm cách nào đó để tài trợ trực tiếp. Không có chuyện như trước đây lãi suất 6% thì ngân hàng cho vay 2%, còn lại được Nhà nước cấp bù 4% nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán xong, các ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất bình thường, sau đó các doanh nghiệp này lên Kho bạc Nhà nước lĩnh tiền hỗ trợ lãi suất. Cách này vừa là hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp vừa tránh nguy hiểm cho các ngân hàng và méo mó thị trường.
Việc Bộ Tài chính đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, được kỳ vọng là “bàn đạp” để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kỳ vọng, doanh nghiệp và chuyên gia vẫn còn những quan ngại.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)