Dự thảo luật còn “vẽ” thêm giấy phép con cho dự án chung cư. Các quy định này tiềm ẩn nguy cơ khiến doanh nghiệp, người dân phát sinh chi phí.
Ngày 12/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi). Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho rằng, thị trường BĐS không ổn định sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhà ở; giá thuê nhà, thuê văn phòng quá cao. Giá BĐS quá cao cũng gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế. Chính vì vậy, Luật Nhà ở và Kinh doanh BĐS sửa đổi cần tránh sự chồng chéo, nhưng cũng quy định cụ thể, linh hoạt, để có thể đi vào cuộc sống.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga – Phó Trưởng Khoa pháp luật Kinh tế (Trường ĐH Luật Hà Nội) đánh giá, dự thảo Luật kinh doanh BĐS còn nhiều điều khoản khiên cưỡng, gò bó gắn với nhiều chế định khuôn mẫu, mang dáng dấp của sự kiểm soát.
Bà Nga dẫn ví dụ, khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật Kinh doanh BĐS quy định “Hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng bất động sản; hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai”. Quy định này chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện.
“Luật Kinh doanh BĐS phụ thuộc quá nhiều vào Luật Đất đai. Chúng tôi đề xuất cần tách riêng hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất, kinh doanh nhà, công trình xây dựng gắn với các hình thức cụ thể, tương ứng. Không gộp chung các nội dung này để đảm bảo sự chuẩn xác”, bà Nga kiến nghị.
Một trong những ý kiến được đại diện hiệp hội đề xuất là bỏ quy định bán BĐS qua sàn. Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng, quy định giao dịch BĐS phải thông qua sàn cứng nhắc. Công ty đầu tư BĐS đều sử dụng linh hoạt việc phối hợp giữa lực lượng bán hàng trực tiếp của chủ đầu tư và một số sàn.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đỉnh – chuyên gia độc lập trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cho rằng, một phần công việc của sàn giao dịch BĐS sẽ trùng lặp với công việc của công chứng viên. Khi thực hiện công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng BĐS, công chứng viên phải đánh giá tính pháp lý của tài sản giao dịch. Cùng với đó, công việc của công chứng viên như nêu trên trùng một phần lớn với nội dung hoạt động của sàn giao dịch BĐS trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).
Theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có đề xuất bổ sung “thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở chung cư”. Điều khoản này như “giấy phép con”, chồng chéo với thủ tục đã có.
Ông Đỉnh lý giải, để hoàn thành thủ tục nghiệm thu và đủ điều kiện bàn giao căn hộ chung cư cho khách hàng, chủ đầu tư dự án phải có 2 loại “giấy phép” do cùng một cấp hành chính ban hành.
Cụ thể, với nhà chung cư cấp đặc biệt, cấp I, chủ đầu tư phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình và thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng).
Với nhà chung cư cấp II, cấp III, chủ đầu tư phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của Sở Xây dựng và thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở.
Góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam – cho biết, Điều 57 quy định, giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản. Ông Hiệp cho rằng, quy định như vậy hơi cứng. Bởi nhiều chủ đầu tư là công ty đầu tư bất động sản đều sử dụng linh hoạt việc phối hợp giữa lực lượng bán hàng trực tiếp của chủ đầu tư và một số sàn.
“Ban soạn thảo cần cân nhắc có nên đưa ra thêm một nấc trung gian trong khi chúng ta đang cố gắng bớt các thủ tục trung gian để giảm chi phí”, ông Hiệp nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Luật Nhà ở (sửa đổi) bao gồm 13 chương và 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 7 Điều trong Luật hiện hành, giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều.
Còn Luật Kinh doanh Bất động sản bao gồm 10 chương và 92 Điều. Hiện Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua vào kỳ họp diễn ra vào tháng 10.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)