Ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm…
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất nhiều chính sách mới, quan trọng để khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất; thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất;…là những chính sách mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất . Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã quy định khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo 3 khu vực gồm khu vực quản lý nghiêm ngặt, khu vực hạn chế và khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai ; sử dụng Quỹ phát triển đất không đúng mục đích tại khoản 9, khoản 12, khoản 13 Điều 12 dự thảo Luật.
Cụ thể, theo dự thảo, hành vi bị nghiêm cấm về đất đai được đề xuất như sau:
1- Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
2- Thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
3- Không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích.
4- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
5- Nhận chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.
6- Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
8- Làm trái quy định về quản lý, sử dụng đất đai.
9- Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
10- Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
11- Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
12- Phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai.
13- Sử dụng Quỹ phát triển đất không đúng mục đích.
Tổng Hợp
(VTV, Nhịp Sống Thị Trường)