Ngân hàng đẩy mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu như một cách để duy trì lợi nhuận và vẫn có sẵn nguồn lực để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến. Ngân hàng cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khiến nợ xấu chưa được phản ánh thực chất, con số thực tế sẽ cao hơn trên sổ sách.
Khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nợ xấu sẽ càng ngày càng nhiều, có thể khiến các ngân hàng rơi vào khủng hoảng. Do đó, vị chuyên gia ủng hộ việc các ngân hàng đẩy mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu như một cách để duy trì lợi nhuận và vẫn có sẵn nguồn lực để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến.
Quy trình cho vay chặt chẽ hơn so với giai đoạn trước giúp hạn chế nợ xấu mới. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như du lịch, nhà hàng, khách sạn… chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 1%) trong cơ cấu dư nợ của các ngân hàng. Nợ xấu phát sinh do tác động của COVID-19 thấp hơn kỳ vọng ban đầu, nhiều ngân hàng đã ghi nhận quy mô dư nợ tái cơ cấu giảm. Nhiều ngân hàng đã hoàn thành trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 ngay từ năm 2020.
Với tình hình dịch bệnh hiện nay, nợ xấu của các ngân hàng tăng lên khi nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tạm dừng hoạt động, do vậy không thể trả nợ cho ngân hàng đúng hạn. Đặc biệt sau khi NHNN ban hành Thông tư 03 cho phép ngân hàng cơ cấu lại nợ nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khiến nợ xấu chưa được phản ánh thực chất, con số thực tế sẽ cao hơn trên sổ sách. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng đầy đủ theo đúng lộ trình, do vậy một số nhà băng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng vọt có thể đã chủ động trước trong việc trích lập.
Việc tăng trích lập dự phòng, kéo theo tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng cao sẽ khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm và ngược lại. Chuyển động ngược chiều giữa chi phí dự phòng và lợi nhuận được thể hiện rõ trong báo cáo tài chính nhiều ngân hàng trong năm 2020. Năm trước, chi phí dự phòng tăng cao tại Vietcombank và BIDV khiến lợi nhuận sau thuế giảm 2,6% và 15,5% mặc dù lợi nhuận thuần vẫn tăng. Trong khi đó điều ngược lại lại xảy ra tại VietinBank và Techcombank khi dự phòng rủi ro giảm và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh. Sự trái dấu này không còn diễn ra trong nửa đầu năm nay nhưng có thể nhận thấy chi phí dự phòng tăng cao đã làm giảm lợi nhuận của nhiều ngân hàng, tuy vậy mức tăng trưởng lợi nhuận của nhiều nhà băng vẫn ở mức khủng.
Trong nửa đầu năm, Techcombank xử lý được 13,6% nợ xấu và tăng trích lập dự phòng thêm gần 31%, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ mức 171% cuối năm ngoái lên 259%. Tương tự tại MB và ACB với tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 134% và 160% lên 237% và 208%. Ngoài các ngân hàng kể trên, các “ông lớn” thuộc nhóm Big4 và nhiều ngân hàng khác cũng nâng tỷ lệ này lên trên ngưỡng 100% như: TPBank, Bac A Bank và SCB.
Chi phí dự phòng tại phần lớn ngân hàng tăng trong nửa đầu năm nhưng tại một số tốc độ tăng nợ xấu lại cao hơn nên tỷ lệ bao phủ vẫn giảm, tiêu biểu tại hai “ông lớn” Vietcombank và VietinBank. Mặc dù đã tăng mạnh chi phí dự phòng nửa đầu năm lên gần 8.500 tỷ đồng (7.100 tỷ đồng là trích trong quý II) nhưng do nợ xấu cũng tăng mạnh hơn 52% lên 14.477 tỷ đồng nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank giảm từ 132% về 129%.
Vietcombank hiện là quán quân về lợi nhuận và cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn hệ thống với 352% (mặc dù đã giảm 16 điểm % so với cuối năm trước). Như vậy, với mỗi một đồng nợ xấu, Vietcombank đã trích ra 3,5 đồng để dự phòng. Với quy mô dự phòng rủi ro cho vay lên tới hơn 24.000 tỷ đồng, Vietcombank có khả năng xử lý gấp 2 lần tổng các khoản nợ có vấn đề (nợ nhóm 2 đến nhóm 5).
Trong 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính có tới 11 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, điều đó có nghĩa là ngân hàng đã để ra quỹ dự phòng vượt mức nợ xấu đã phát sinh.
Tĩnh Kiên