Do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng. Thống kê cho thấy từ cuối tháng 8 đến ngày 7/10, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế không tăng.
Tính đến ngày 7/10/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020. Cùng thời kỳ, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Mặc dù mức tăng này cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (5,48%) nhưng lại bằng mức tăng trưởng tín dụng đến ngày 31/8/2021. Như vậy, tín dụng đã chững lại trong suốt 5 tuần. Đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/01/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.
“Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng”, phía Ngân hàng Nhà nước cho biết. Liên quan đến điều hành tín dụng gỡ khó cho ngành hàng không, Ngân hàng Nhà nước thông tin rằng đến nay đã tái cấp vốn cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay Vietnam Airlines; Vietnam Airlines và các ngân hàng cũng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ và thực hiện giải ngân tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.
Về lãi suất, theo báo cáo từ các TCTD, đến cuối tháng 9/2021, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Lũy kế từ ngày 23/1/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường ngoại tệ, tỷ giá và thị trường tiếp tục diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Bên cạnh đó, hoạt động thanh toán và công nghệ ngân hàng phát triển mạnh. Lũy kế 8 tháng năm nay, thanh toán qua kênh Internet tăng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12%.
Ngân hàng Nhà nước tái khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế; đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% so với cùng kỳ năm 2020. Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ đặt mục tiêu trên hết là bảo đảm sức khỏe, tính mạng nhân dân. Tiếp đến là nối lại chuỗi sản xuất bền vững để thích nghi với tình hình mới trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh và tăng độ bao phủ vắc xin, đồng thời cố gắng bảo đảm an sinh – xã hội cho người dân.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng 1,81% so với tháng 12/2020. Nguyên nhân làm giảm chỉ số giá tiêu dùng giảm tháng này là một số chi phí được miễn, giảm trong giai đoạn giãn cách xã hội như tiền thuê nhà, học phí, tiền điện,… Trong tháng 10, VCBS dự báo CPI nhiều khả năng tiếp đà giảm 0,2%- 0,3%, tương ứng với mức tăng 1,76%-1,66% so với cùng kỳ do giá thịt lợn và học phí giảm trong khi ở chiều ngược lại, đà tăng từ giá xăng dầu chưa tạo ra áp lực đủ lớn khi cầu chưa thực sự hồi phục mạnh mẽ. Về lãi suất, trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản dồi dào hơn hỗ trợ xu hướng giảm lãi suất.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, trong quý III/2021, nhu cầu tín dụng của khách hàng giảm trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài nhằm phòng chống dịch. Ngân hàng nỗ lực gia tăng nguồn thu ngoài lãi, song lợi nhuận thu về không đạt kế hoạch quý, ước hoàn thành khoảng 90%.
PV
(Tổng Hợp)