Dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 31/3/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 783.942 tỷ.
Đề cập đến hoạt động của thị trường bất động sản trong quý vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường trong quý đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt; xuất hiện nhiều chủ đầu tư, dự án bất động sản mở bán hoặc lên kế hoạch mở bán trong thời gian ngắn. Thêm vào đó, sự quan tâm và lượng giao dịch bất động sản tăng dần theo tháng và ở hầu hết các phân khúc của thị trường.
Đáng chú ý, sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của các đợt dịch COVID-19, cuối năm 2021 và ba tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã dần sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng dần. Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 800 sàn giao dịch đã trở lại hoạt động (so với quý 4/2021 là 400 sàn giao dịch).
“Nhìn chung thị trường bất động sản vẫn có thể phải đối diện với nhiều thách thức nhưng theo đánh giá năm 2022 sẽ thêm nhiều tín hiệu khởi sắc hơn, do đây là năm thứ ba sống chung với dịch Covid-19 nên tâm lý người dân dần thích nghi. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp thì hoạt động giao dịch vẫn diễn ra, quan trọng hơn các sàn giao dịch bất động sản đã có kinh nghiệm và được sàng lọc qua tác động của dịch COVID-19”, Bộ Xây dựng nhận định.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 188.105 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 45.532 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 33.335 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 33.509 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn 57.898 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê 121.153 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất 101.071 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12,9% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 203.339 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25,9% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo đó, năm 2021, kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% GDP. Thị trường bất động sản là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản.
Thống kê cho thấy có tới 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường bất động sản với hệ số lan tỏa từ 0,5 – 1,7 lần. Bốn ngành lớn có liên quan nhiều là xây dựng (5,95% GDP), du lịch (1,97% GDP), lưu trú (1,71% GDP), tài chính – ngân hàng (4,62% GDP) năm 2021.
Không chỉ vậy, thị trường bất động sản cũng xếp thứ hai về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm. Lũy kế đến hết tháng 4/2022, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 65 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn FDI đăng ký. Thị trường bất động sản là một trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường đang có sự tồn tại của tứ giác liên thông bao gồm: Bảo hiểm – ngân hàng – chứng khoán – bất động sản. Ví dụ, ngân hàng dành 20% vốn để cho vay bất động sản (cả cho vay nhà ở và kinh doanh nhà ở). Chứng khoán cũng liên quan mật thiết với bất động sản. Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đi đầu hoặc thứ hai trong khối phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán 17% tổng vốn hóa toàn thị trường.
Bên cạnh đó, rất nhiều quỹ đầu tư tín thác bất động sản, chứng khoán phái sinh là những sản phẩm có liên quan giữa ngành bất động sản và chứng khoán.
Tổng Hợp