Chiều 23/5, báo cáo trước Quốc hội tình hình kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020, ông Trần Sỹ Thanh – Tổng Kiểm toán Nhà nước – cho biết dư nợ công đến cuối năm 2020 là hơn 3,52 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP).
Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng trong xây dựng dự toán bảo đảm sát nhu cầu và khả năng thực hiện để có căn cứ xác định mức bội chi, chi trả lãi phù hợp, giảm mức vay bù đắp bội chi, chuyển nguồn quá lớn, giảm chi phí trả nợ các năm sau.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, trong năm 2020 Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để cắt giảm chi thường xuyên. Nhờ đó tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quản lý chi tiêu thường xuyên tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội quan trọng chưa triển khai kịp thời trong năm; chi chuyển nguồn, hủy bỏ dự toán chi thường xuyên còn lớn…
Nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người và có xu hướng tăng qua các năm. Trước đó, năm 2018, con số này là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng.
Về thu ngân sách Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết đã quyết toán 1.510.579 tỷ đồng, bằng 98,1% so với dự toán giao (tương ứng hụt 28.473 tỷ đồng).
Trong đó thu nội địa vượt 0,2% dự toán (chủ yếu từ tiền sử dụng đất 77.086 tỷ đồng và thu khác ngân sách 22.229 tỷ đồng). Mặt khác, một số khoản thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh (khu vực DNNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh) chiếm khoảng 52,5% tổng thu nội địa nhưng đều hụt thu so với dự toán giao, khoản thu hồi vốn tại các DNNN chỉ đạt 37,1% so với dự toán giao đầu năm.
Nguyên nhân hụt thu được cơ quan kiểm toán chỉ ra là ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các chính sách miễn, giảm thuế của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được KTNN phát hiện qua kiểm toán, đối chiếu, từ đó đã kiến nghị tăng thu NSNN 8.802,6 tỷ đồng.
Nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến cuối năm 2020 là 99.074 tỷ đồng, giảm 0,63% so với năm 2019, chủ yếu do thực hiện khoanh nợ thuế và xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 (24.987 tỷ đồng).
Còn nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý quá hạn đến cuối năm 2020 là 7.115 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019, trong năm 2020 chưa thực hiện khoanh nợ thuế và xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14.
Về chi ngân sách Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Chi đầu tư phát triển quyết toán 576.432 tỷ đồng, bằng 115,5% dự toán và bằng 33,7% tổng chi NSNN. Còn chi thường xuyên toán 1.013.449 tỷ đồng, bằng 90,8% dự toán và bằng 59,3% tổng chi NSNN.
Qua kiểm toán cho thấy một số khoản chi sự nghiệp ngân sách Trung ương có tỷ lệ thực hiện thấp như chi bảo vệ môi trường 47,4%; chi văn hóa thông tin 61,5%; chi thể dục thể thao 75,2%; chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề 81,9%. Chi bảo vệ môi trường trong những năm gần đây liên tục thực hiện đạt tỷ lệ rất thấp (dưới 50%).
Số dư tạm ứng chi thường xuyên cuối kỳ 25.856,556 tỷ đồng tại kho bạc Nhà nước nhưng chưa được các đơn vị dự toán thực hiện hoàn trả kịp thời theo quy định.
Tổng Hợp