Dòng tiền margin từ các nhà đầu tư nội đã góp phần quan trọng giúp thị trường đứng vững trước áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong thời gian qua. Trong 3 quý đầu năm, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục 46.000 tỷ đồng trên HoSE.
Xu hướng tăng dư nợ cho vay tại các CTCK tiếp tục tăng mạnh trong quý 3/2021. Nổi bật nhất về tăng trưởng dự nợ trong quý 3 phải kể tới TCBS với mức tăng trưởng dư nợ cho vay lên tới 39% (QoQ), đạt 11.932 tỷ đồng, qua đó vượt qua VNDIRECT và HSC để vươn lên trở thành CTCK có dư nợ cho vay lớn thứ 3 toàn thị trường.
Một số CTCK cũng có tốc độ tăng trưởng dư nợ lớn trong quý 3 có thể kể tới Maybank KimEng (+36% QoQ lên 3.531 tỷ đồng) hay MBS (+29% QoQ lên 6.995 tỷ đồng), VNDIRECT (+22% QoQ lên 11.317 tỷ đồng). Xét về con số tuyệt đối, SSI tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về dư nợ cho vay toàn thị trường với 18.293 tỷ đồng (+13,2% QoQ). Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp SSI lấy lại vị trí số 1 về dư nợ cho vay sau một thời gian dài bị Mirae Asset “vượt mặt”.
Trong khi đó, Mirae Asset ghi nhận dư nợ cho vay quý 2 chỉ đạt 14.799 tỷ đồng (bao gồm 13.716 tỷ đồng dư nợ margin), giảm 2% so với quý trước. Những quý gần đây, dư nợ cho vay của Mirae Asset đang chững lại, điều này đến từ việc công ty đã gần kịch room cho vay. Vốn chủ sở hữu cuối quý 3/2021 của Mirae Asset đạt 7.220 tỷ đồng, tương đương cho vay margin tối đa 14.440 tỷ đồng.
Trong nhóm CTCK top đầu, dư nợ cho vay của VPS vào cuối quý 3 cũng giảm 8% so với quý trước xuống còn 6.801 tỷ đồng. Ở nhóm CTCK vừa và nhỏ, Pinetree đã có dư nợ cho vay cuối quý 3 lên 1.078 tỷ đồng, đây cũng là lần đầu tiên Pinetree đạt mốc “nghìn tỷ” cho vay. Việc áp dụng chính sách ưu đãi phí giao dịch hàng đầu thị trường đang giúp Pinetree thu hút khách hàng và tăng trưởng mạnh dư nợ trong những quý gần đây.
Thời gian gần đây, áp lực cạnh tranh trong ngành chứng khoán đang diễn ra mạnh mẽ. Không chỉ các CTCK Hàn Quốc với lợi thế nguồn vốn giá rẻ, các CTCK nội cũng đẩy mạnh tăng vốn, đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường bùng nổ, qua đó khiến cuộc đua dư nợ margin, thị phần trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Thống kê cho biết tính tới cuối quý 3/2021, có tới 28 CTCK có dư nợ cho vay trên 1.000 tỷ đồng, đây là điều chưa từng có trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Sự cải thiện thanh khoản thời gian qua có đóng góp không nhỏ từ các nhà đầu tư mới. Số liệu từ VSD cho biết trong 9 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 1 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong 3 năm trước đó cộng lại. Bên cạnh việc nhà đầu tư mở tài khoản mới, sự bùng nổ thanh khoản không thể không nhắc tới yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền margin. Theo ước tính của chúng tôi, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính tới cuối quý 3/2021 vào khoảng 155.000 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. So với quý trước đó, dư nợ cho vay của các CTCK trên thị trường đã tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý, đây là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nếu tính thêm dư nợ từ cho vay 3 bên, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều 155.000 tỷ đồng.
Trong số 155.000 tỷ đồng dư nợ cho vay có khoảng 144.000 tỷ đồng là dư nợ cho vay margin. Trước đó vào đầu tháng 10, UBCKNN đã ước tính dư nợ margin trên toàn thị trường vào khoảng 141.000 tỷ đồng. Tính riêng 20 CTCK lớn nhất thị trường có dư nợ cho vay cuối quý 3/2021 lên tới 133.680 tỷ đồng, tăng khoảng 11.000 tỷ (+9%) so với quý trước đó.
Sau giai đoạn thăng hoa trong nửa đầu năm 2021, chứng khoán Việt Nam đã có phần chững lại đà tăng trong quý 3. Dù vậy, diễn biến thị trường vẫn khá sôi động khi thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất cao, thường đạt mốc “tỷ đô” mỗi phiên giao dịch. Giá trị khớp lệnh bình quân trong quý 3 trên sàn HoSE đạt 19.785 tỷ đồng/phiên, gần tương đương mức đỉnh 19.838 tỷ đồng/phiên trong quý 2.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)