Dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Bộ Xây Dựng cho biết dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt xấp xỉ 800.000 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022.
Tổng dư nợ tín dụng trong hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn tăng qua các quý. Theo đó, trong quý I/2022, dư nợ đạt gần 784.000 tỷ đồng, quý II/2022 hơn 784.500 tỷ đồng, quý III/2022 gần 796.700 tỷ đồng và quý IV/2022 gần 800.000 tỷ đồng.
Qua số liệu trên cho thấy dư nợ cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn theo chiều hướng tăng. So với cuối năm 2022, dư nợ cho vay bất động sản đã tăng khoảng 14% (tại thời điểm cuối năm 2021, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản xấp xỉ 700.000 tỷ đồng).
Thống kê tại gần 30 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 của Dân Việt cho thấy, chỉ có khoảng 10 ngân hàng thuyết minh chi tiết dư nợ cho vay đối với các ngành, lĩnh vực, trong đó có bất động sản.
Theo đó, tổng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của 10 nhà băng được thống kê (gồm: MSB, KLB, TPB, TCB, VietBank, SHB, PGBank, VPBank, MBB, Saigonbank), đạt hơn 269.200 tỷ đồng. So với cuối năm 2021, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản của nhóm nhà băng này đã tăng 55.455 tỷ đồng (xấp xỉ 26%).
Trong đó, 8/10 nhà băng đều có dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng. Ghi nhận tốc độ tăng mạnh nhất là Saigonbank với tỷ lệ lên tới 80%, từ 588 tỷ đồng lên 1.061 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,67% trong tổng cho vay khách hàng của nhà băng này.
MBBank, VPBank, và PGBank có tốc độ tăng lần lượt 69%, 59% và 56%. Theo đó, tỷ trọng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ cho vay khách hàng của 3 nhà băng này đồng loạt “phình” to so với thời điểm cuối năm 2021.
Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản của VPBank đạt gần 67.600 tỷ đồng, đóng góp 15,42% tổng cho vay khách hàng của nhà băng này. Trong khi đó, cuối năm 2021, tỷ lệ này chỉ ở mức 11,98% (42.567 tỷ đồng).
Tại PGBank, tỷ lệ dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng từ 5,18% (năm 2021) lên 7,65% (năm 2022).
Tương tự, tại MBB cho vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm cuối năm 2022 là 21.358 tỷ đồng (chiếm 4,64% tổng dư nợ cho vay khách hàng).
Các ngân hàng khác có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng trong năm 2022 còn có SHB (tăng 29%); VietBank (tăng 20%); Techcombank (tăng 14%) và Tpbank (tăng 4%).
Chiều ngược lại, 2 nhà băng nằm trong thống kê của Dân Việt là MSB và KLB có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản giảm trong năm 2022, với mức giảm 13 – 14%.
Do đó, tỷ trọng dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản/tổng dư nợ cho vay khách hàng của MSB giảm từ 11,95% xuống 8,6% và giảm từ 8,76% xuống còn 6,55% tại KLB.
Nếu xét theo tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản/tổng dư nợ cho vay khách hàng, Techcombank vẫn đang dẫn đầu trong nhóm được thống kê (tỷ lệ 25,90%) giảm từ mức 27,61% tại thời điểm cuối năm 2021.
Techcombank cũng là nhà băng đang có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản cao nhất, với 108.906 tỷ đồng. Đứng các vị trí phía sau là VPBank (67.593 tỷ đồng); SHB (31.493 tỷ đồng) và MB (21.358 tỷ đồng).
Dư nợ cho vay bất động sản vẫn tăng trong năm 2022, song theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thị trường bất động sản đang có những khó khăn thực sự về thanh khoản.
Thời gian qua, nhà quản lý tiền tệ không có dụng ý bóp nghẹt hay siết chặt nào, thay vào đó để tín dụng bất động sản ở mức độ hợp lý.
Thậm chí, nếu tính tất cả các nguồn cho vay, từ cho vay nhà đầu tư, cho vay qua nhà thầu, cho vay qua người mua nhà,… tổng tín dụng bất động sản có thể cao hơn bất cứ tín dụng cho ngành kinh tế nào khác.
Trong chỉ thị vừa ký ban hành đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Trước đó, tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin, đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ có buổi hội thảo về tín dụng bất động sản để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp triển khai dự án… nhằm giúp phát triển thị trường lành mạnh, ổn định, không để “đóng băng”. Đây cũng là cơ hội để trao đổi, chia sẻ giữa các ngân hàng thương mại, hiệp hội và doanh nghiệp.
Một kênh huy động vốn quan trọng khác của thị trường bất động sản là phát hành trái phiếu. Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân sai phạm, bị xử lý đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư. Do vậy, các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án, cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.
Trong tháng 12.2022, các doanh nghiệp đã phát hành 1.350 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành 500 tỉ đồng.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25.12.2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỉ đồng, trong đó, của doanh nghiệp bất động sản là 419.000 tỉ đồng (chiếm 33,6%).
Trong cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Thanh Niên)