Việt Nam đặt mục tiêu hồi phục du lịch hoàn toàn vào năm 2025, với 18 triệu khách quốc tế trong tổng số 134 triệu du khách. Du lịch sẽ bật mạnh sau cú rơi mạnh từ nhiều năm nay, thực tế cho thấy các Khách sạn, condotel,… ven biển đang giảm về lượng đặt phòng nhiều năm qua.
Đến năm 2030, cả nước hướng đến 195 triệu du khách gồm 35 triệu khách quốc tế từ nhiều thị trường mục tiêu như Ấn Độ và Trung Đông, các nước châu Âu, Úc, New Zealand, Canada và Hoa Kỳ.
Mục tiêu đầy tham vọng nói trên cùng với những tín hiệu khởi sắc hơn đang khiến nhiều thành viên thị trường tự tin hơn vào sự trở lại đường đua của ngành du lịch với các thị trường khu vực. Bà Nguyễn Thị Lê Hương, thành viên Hội đồng quản trị – Phó tổng giám đốc Vietravel cho biết, doanh thu từ du lịch chiếm đến 30% giá trị thương mại – dịch vụ toàn cầu nên trong tương lai, quốc gia nào cũng sẽ phải thúc đẩy du lịch.
Với Việt Nam, theo bà Hương, năm 2023, vấn đề lớn mà người làm du lịch cần quan tâm là có giải pháp đưa khách du lịch trở lại hơn là việc hoàn thành các con số mục tiêu. Bởi theo diễn biến thị trường du lịch quý I/2023, các mục tiêu đưa ra gần như chắc chắn sẽ đạt được, thậm chí có thể vượt kế hoạch đề ra.
Bà Hương cũng cho biết, ngành du lịch đang hướng đến mục tiêu khác. Nếu trước đây chú trọng khách châu Âu thì nay đang được điều hướng nhiều vào nhóm khách hàng từ châu Á.
“Việt Nam nên hướng tới trở thành điểm đến nghỉ dưỡng lý tưởng trong khu vực và thế giới để tăng thu hút khách du lịch, ngoại tệ… cũng như giữ chân du khách ở lại lâu hơn. Để làm được điều này, cần tăng cả về chất và lượng các cơ sở lưu trú”, bà Hương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, với tốc độ tăng trưởng cao của 3 tháng đầu năm, Việt Nam có thể tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023.
“Thái Lan có kế hoạch thu hút 30 triệu khách quốc tế trong năm 2023 và Việt Nam cũng hoàn toàn có thể đạt con số 8 triệu khách, thậm chí cao hơn từ 10-12 triệu khách quốc tế ngay trong năm nay”, ông Chính nói.
Thực tế, thói quen du lịch đã có nhiều thay đổi sau dịch, trong đó một xu hướng mới hình thành và ngày càng trở nên phổ biến đó là du lịch đơn lẻ. Kết quả khảo sát gần đây của Ban tổ chức giải thưởng World Travel Awards (WTA) về kỳ nghỉ phục hồi sức khỏe (Wellness Vacation) cho thấy, gần 25% người được hỏi đã tham gia du lịch đơn lẻ.
“Khách du lịch quốc tế đang có xu hướng ít đi theo đoàn mà đi theo nhóm nhỏ (FIT), đồng thời thay vì chọn đi du lịch nhiều quốc gia, thì nay chọn ở một quốc gia lâu hơn. Cùng với đó, du lịch xanh, về với thiên nhiên hay nghỉ dưỡng biển hồi phục sức khoẻ sau dịch cũng là xu hướng khá rõ rệt”, ông Chính chia sẻ thêm.
Theo TS. Nuno F.Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, Việt Nam là một minh chứng cho thành công trong phát triển du lịch. Dù đi sau Thái Lan nhiều năm, nhưng Việt Nam đang là điểm đến được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc cần làm là đa dạng hóa các điểm đến, thay vì chỉ tập trung vào một vài “điểm nhấn” du lịch như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng…
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến việc cân bằng giữa phát triển đồng thời 2 thị trường khách quốc tế và nội địa, tránh trường hợp “bên trọng, bên khinh” khi mải mê theo đuổi mục tiêu tăng thu hút cũng như giữ chân khách quốc tế, mà bỏ rơi “mỏ vàng” khách nội địa.
Theo TS. Nuno F.Ribeiro, trong 2-5 năm tới và xa hơn là 10 năm nữa, tương lai của ngành du lịch là thị trường trong nước với quy mô lớn gấp 15 lần thị trường nước ngoài. Do đó, ngành du lịch cũng như các cơ sở nghỉ dưỡng phải tập trung phát triển và hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng này. Còn với thị trường khách quốc tế, hiện tỷ lệ quay trở lại từ 8-10% như hiện nay là quá thấp nên cần cải thiện chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa điểm đến để khai thác hiệu quả nhóm khách có mức chi tiêu gấp 11 lần khách nội địa này.
Bà Trang Lê, Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn đầu tư, JLL Việt Nam cho rằng, rõ ràng, động thái này từ phía cơ quan quản lý sẽ giúp phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là mô hình condotel có cơ hội tìm lại chính mình. Nghị định 10/2023 là văn bản chính thống hơn để xác định quyền sở hữu các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng thế hệ mới như condotel, officetel…, giúp “cởi trói” tâm lý khi sở hữu những sản phẩm mới này.
“Tâm lý ‘chắc ăn’ khi đầu tư là hết sức bình thường và Nghị định 10/2023 đã làm giảm nỗi lo về quyền sở hữu bất động sản nói chung, các sản phẩm nghỉ dưỡng nói riêng cho người mua”, bà Trang nhấn mạnh.
Sự khởi sắc hơn từ ngành du lịch cùng việc gỡ vướng pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng đang mang đến nhiều hơn kỳ vọng về một cú bật mạnh của phân khúc này trong thời gian tới, với sản phẩm tiêu biểu là condotel.
Tổng Hợp
(ĐTCK)