Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động trong đó có tăng mức phạt với môi giới bất động sản.
Theo Dự thảo, những người kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản có thể bị xử phạt 60 – 80 triệu đồng. Mức phạt hiện hành là 10 – 15 triệu đồng.
Trong trường hợp kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định có thể bị phạt 80 – 100 triệu đồng. Cùng chung mức phạt này, các trường hợp không lập hợp đồng hoặc hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản không đầy đủ các nội dung chính theo quy định; sàn giao dịch bất động sản không có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ theo quy định hoặc hoạt động sai quy chế được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cũng,… cũng sẽ bị xử phạt tương tự.
Theo quy định hiện hành, các vi phạm trên chỉ bị phạt tiền 40 – 50 triệu đồng. Ngoài ra, các sàn giao dịch bất động sản còn có thể chịu mức phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động kinh doanh 6 – 12 tháng nếu vi phạm một số điều khoản liên quan kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản,…
Tại Điều 61 quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản, môi giới có thể bị phạt 120 – 160 triệu đồng nếu có hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới. Theo quy định hiện hành tại Điều 58 Nghị định 139 ngày 27/11/2017 của Chính phủ, với vi phạm trên, môi giới chỉ bị phạt tiền 40 – 50 triệu đồng.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, do ảnh hưởng bởi dịch, từ năm 2020 đến nay có tới 28% sàn giao dịch BĐS có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao. Hiện nay, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương cạn kiệt khiến nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự. Bên cạnh đó, có tới 89% sàn giao dịch không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.
Khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản trung gian và hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản phải tạm ngừng hoạt động trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thoát khỏi “bóng đen” của đại dịch. Nhìn theo hướng tích cực, tuy số lượng các doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng hoạt động ghi nhận tăng nhưng thị trường cũng đón thêm hàng nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hàng trăm doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng thêm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số khả quan trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng vẫn chưa thể phục hồi do dịch bệnh.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)