Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I-2021 tới gần 81% so với quý I-2020, đã thổi bùng lên xu hướng tăng giá mạnh trên TTCK. Do vậy giới đầu tư rất mong mỏi và đặt nhiều kỳ vọng vào lợi nhuận quý II này sẽ tiếp tục là một quý bùng nổ nữa. Điều này là hoàn toàn bình thường, vì cũng giống quý I-2021, mức nền để so sánh với cùng kỳ năm ngoái vẫn rất thấp.
Việc thận trọng với kết quả kinh doanh quý II-2021 không có nghĩa là thị trường đang đứng trước rủi ro. Thực vậy, thị trường đang trong một giai đoạn khá kỳ lạ, khi VN Index tăng mạnh nhất thế giới và liên tục lập đỉnh cao mới, nhưng cổ phiếu thì tăng trưởng chậm lại đáng kể từ đầu tháng 6 tới nay. Do đó từ nay đến khi công bố báo cáo tài chính quý II, khả năng rất cao là cổ phiếu sẽ phân hóa mạnh mẽ ngược hướng với con số lợi nhuận. Nhìn xa hơn, khi thời điểm công bố báo cáo lợi nhuận đến cũng tức là lợi nhuận đã cũ. Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 hầu như chưa kịp phản ánh vào báo cáo tài chính quý II. Tuy nhiên những thông tin từ chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI trong tháng 6 chỉ là 44,1 điểm, cho thấy khó khăn đang đến. Cắt giảm số lượng lao động, hoạt động mua hàng giảm.
Chúng ta đều biết rằng 2 quý đầu năm 2020, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội, nên lợi nhuận sụt giảm mạnh. Nhìn một cách công bằng, việc so sánh với một nền quá thấp để nhấn mạnh vào mức độ tăng trưởng là điều không nên. Chẳng hạn quý I-2020 lợi nhuận giảm tới 26% so với cùng kỳ 2019. Quý II-2020 cũng giảm 12,5% so với cùng kỳ 2019. Vì vậy lợi nhuận các quý 2021 tăng trưởng mạnh so với 2020 là điều hoàn toàn bình thường. Một ước tính của FiinPro trên cơ sở dự phóng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp dự kiến tăng 20,7% và khối ngân hàng 23,8% trong năm, nay thì P/E của thị trường đã gần 18 lần. Đây chính là lý do mà nhiều báo cáo triển vọng thị trường đều đánh giá: Tuy thị TTCK chưa phải là đắt, nhưng cũng không phải là rẻ. Không giống như giai đoạn quý I-2021 hay quý IV-2020, mức tăng trưởng lợi nhuận không còn hạ thấp quá nhiều mức định giá P/E của thị trường nữa.
Cần lưu ý là các ước tính đánh giá tổng thể về tăng trưởng lợi nhuận của thị trường bao gồm các con số lợi nhuận cực lớn từ khối ngân hàng. Nhóm này cũng được dự báo lợi nhuận vẫn rất cao và tăng trưởng tốt trong quý II-2021 này. Vấn đề là cổ phiếu ngân hàng đang trong giai đoạn cân nhắc tái định giá lại, vì lợi nhuận lớn đã được dự đoán và phụ thuộc vào yêu cầu trích lập dự phòng. Không phải ngẫu nhiên mà càng đến gần thời điểm công bố lợi nhuận quý II, giá cổ phiếu ngân hàng càng khó tăng cao hơn. Động lực để nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng không phải do yếu tố lợi nhuận kinh doanh, mà đến từ các sự kiện cụ thể, thí dụ tăng vốn, bán cổ phần tại công ty con… Cổ phiếu ngân hàng đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến chỉ số VN Index và tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới trong 6 tháng qua cũng là nhờ nhóm này.
Nửa đầu năm 2021 khép lại với nhiều kỷ lục rực rỡ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN Index được cả thế giới biết đến, sau khi hàng loạt kênh truyền thông tài chính quốc tế ghi nhận mức tăng 27,6% trong 6 tháng đầu năm, là mức mạnh nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và mạnh thứ hai toàn cầu.
Nhật Hạ