Nhìn lại diễn biến từ đầu năm đến nay, tăng trưởng cung tiền bắt đầu lao dốc rất mạnh kể từ cuối tháng 3 – thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu đẩy mạnh hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. Dù các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động nhưng tiền gửi vẫn tăng rất chậm…
Thực tế, dù các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động, nhưng tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng vẫn thấp kỷ lục. Trong đó, không ít ngân hàng đã ghi nhận sự sụt giảm về quy mô tiền gửi trong quý III và 9 tháng đầu năm.
Theo số liệu NHNN, huy động vốn tính đến cuối tháng 10 mới chỉ tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tiền gửi tăng chậm trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều rất trầm lắng. Cụ thể, Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy trong 9 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán chỉ đạt 22.316 tỷ đồng/phiên, giảm 16,1% so với bình quân năm trước. Trong khi thị trường bất động sản cũng đã chững lại rõ rệt khi cả giá và giá trị giao dịch đều giảm mạnh.
heo thống kê của một số đơn vị phân tích, Nhà điều hành đã bán ra trên dưới 20 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm để hỗ trợ tỷ giá, con số này tương ứng với với lượng nội tệ bị hút về vào khoảng 450.000 tỷ đồng.
Mặt khác, trong hầu hết thời gian quý III, NHNN thường xuyên duy trì trạng thái hút ròng trên kênh thị trường mở và tín phiếu, có thời điểm lượng tín phiếu – OMO lưu hành lên tới hơn 189.000 tỷ đồng.
Hoạt động trên đi cùng với lượng VND hút về qua kênh bán ngoại tệ khiến lượng thanh khoản tiền Đồng bị NHNN đưa ra khỏi hệ thống là rất lớn.
Định hướng điều tiết mang tính thắt chặt tiền tệ của NHNN diễn ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát liên tục leo thang trong quý III, nhất là sau những đợt tăng lãi suất của FED. Và đến ngày 23/9, NHNN đã tăng các loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng thêm 1 điểm % – đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý tiền tệ nâng lãi suất điều hành kể từ tháng 5/2011.
Cung tiền tăng trưởng chậm được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế thiếu hụt thanh khoản.
Theo phân tích của các chuyên gia từ AFA Capital, thông thường trên bảng cân đối của một doanh nghiệp luôn luôn có phần tài sản và nguồn vốn. Trong nghiệp vụ ngân hàng sẽ có bộ phận nghiệp vụ quản lý tài sản và nguồn vốn đó để khi có xu hướng về lãi suất, họ sẽ dịch chuyển tăng tài sản lên ở các kỳ hạn dài hay giảm nguồn nợ ở các kỳ hạn ngắn.
Việc buôn tiền này không chỉ nằm ở các tổ chức chuyên nghiệp như ngân hàng mà đến nay có nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường cũng buôn tiền. Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính đánh giá, những tổ chức buôn tiền chuyên nghiệp thường có đội ngũ nhân sự, nguồn lực, thông tin và nguồn vốn tốt. Trong báo cáo tài chính quý 3/2022 cũng cho thấy, ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp kinh doanh tiền áp dụng nghiệp vụ này của ngân hàng. Đơn giản là doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp, sau đó mang tiền vay đó đi đầu tư chứng chỉ tiền gửi hoặc mua trái phiếu.
Có những doanh nghiệp được mệnh danh là “quán quân” về số dư tiền, nhưng nhiều người lại không nhìn ra số dư tiền từ đâu, trong đó có tiền tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn là các khoản tiền gửi trên 3 tháng và tiền đó đến từ đi vay ngắn hạn để phục vụ cho mục đích “buôn tiền”. Giai đoạn 2020-2021 được gọi là giai đoạn tiền dễ với lãi suất thấp có nhiều doanh nghiệp vay với lại suất cực kỳ thấp 2-3%, nhưng nếu chúng ta kỳ vọng lãi suất trên thị trường tăng thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Thực tế ở năm 2020-2021, việc buôn tiền là một nguồn tạo ra doanh thu, thu nhập tài chính rất tốt, được xem là hợp lý. Thậm chí có những doanh nghiệp ép đối tác, ép nhà cung cấp hàng hóa dù chưa trả tiền nhưng phải phát hành hóa đơn, khi nhập hàng về có hóa đơn, doanh nghiệp có thể mang đi cầm cố tại ngân hàng vay với lãi suất thấp rồi quay trở lại đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi hoặc trái phiếu.