Thị trường bất động sản 2023, có khó khăn nhưng sẽ khởi sắc. Đây là những chia sẻ của nhiều chuyên gia tại tại diễn đàn “dự báo thị trường bất động sản 2023” do Diễn đàn doanh nghiệp và VnREA tổ chức sáng 23/12.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) kiêm Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhấn mạnh, những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.
Dự báo phân khúc bất động sản sẽ tăng trưởng trong năm 2023, ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản tháng cuối năm và nửa đầu năm 2023 sẽ vẫn ghi nhận xu hướng tăng giá bán với loại hình bất động sản nhà ở. Tại Hà Nội, điểm sáng là khu vực phía Đông khi quy hoạch hạ tầng ngày càng phát triển, các dự án nhà ở được đầu tư đồng bộ, nhiều tiện ích… đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở góc độ ngắn hạn, phân khúc bình dân và trung cấp sẽ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ bởi đây là phân khúc vẫn luôn có nhu cầu cao trên thị trường.
Bà Trang Bùi – Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá: Thị trường bất động sản đang tăng trưởng về chất, đặc biệt người mua cao cấp quan tâm đến môi trường sống cân bằng, bền vững hơn là một không gian sống đơn thuần. Vì thế, những đại đô thị hay bất động sản “all in one” có quy mô lớn, được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, trải nghiệm sống độc đáo hấp dẫn khách mua, đặc biệt đối với những khách mua để ở. Trong đó, Khu Đông và khu vực ngoại đô Hà Nội đóng góp chính vào lượng cung mới qua các năm, chủ yếu nhờ vào hạ tầng kết nối với các quận nội đô dần được cải thiện.
Theo bà Trang, người mua để ở và người mua đầu tư dài hạn chiếm phần lớn trong bối cảnh hạn chế tín dụng. “Người mua quan tâm nhiều hơn đến các dự án đã hoàn thành và cung cấp các tiện ích phù hợp, tình trạng pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín” – bà Trang nhấn mạnh.
Phân tích của đại diện VNREA chỉ ra rằng, tới đây các bộ, ngành sẽ chủ động làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp trong việc rà soát khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án bất động sản; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền, nhất là các giải pháp cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn kịp thời, vượt qua thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh đó, các bộ ngành đang và sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản; sớm ban hành các văn bản về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
Theo đó, nguồn vốn cho thị trường bất động sản sẽ được cung ứng đầy đủ theo mục tiêu, linh hoạt và nhịp nhàng hơn. Đặc biệt, yêu cầu về việc giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật sẽ được đặt lên hàng đầu.
“Các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có liên quan đang tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán… phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi”, ghi nhận của VnREA từ khối các doanh nghiệp bất động sản.
Từ những tín hiệu lạc quan này, VnREA dự báo, quý I/2023, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhưng vẫn còn trầm lắng, do trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Nguồn cung thị trường vẫn hạn chế do quá trình chuẩn bị và triển khai các thủ tục pháp lý dự án cần thêm thời gian.
Bước sang quý II, quý III/2023, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng; cùng với việc các vướng mắc trên dần được tháo gỡ.
Đồng quan điểm với VnREA, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự báo thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
”Điều tiên quyết là sớm tháo gỡ nút thắt về pháp lý, vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, thậm chí phải có giải pháp mạnh để kích cầu, nhất là các phân khúc bất động sản”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Một diễn đàn mới đây, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ những thông tin đáng chú ý. Theo đó, tính đến 30/11, tín dụng của nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 13%, riêng tín dụng TP. Hồ Chí Minh là 14% và trong đó tín dụng bất động sản bao gồm cả bất động sản kinh doanh và tiêu dùng tăng trưởng 15,5%.
Cụ thể trong hơn 300.000 tỷ đồng tăng trưởng tín dụng ở TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022, tín dụng cho tất cả các loại hình bất động sản như bất động sản, kinh doanh bất động sản tiêu dùng… chiếm 30%. “Các số liệu này cho thấy, lượng vốn của xã hội dồn vào thị trường bất động sản là rất lớn nhưng tại sao chưa được khơi thông là vấn đề cần xem xét”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thừa nhận vốn không phải là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nói: “Vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở”.
Đề cập đến nguyên nhân của những khó khăn của thị trường bất động sản, ông Châu cho biết, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu bắt nguồn từ nội tại nền kinh tế và thị trường bất động sản nước ta.
Trong đó, theo ông Châu, có nguyên nhân từ phía Nhà nước, như một số quy định pháp luật chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; công tác thực thi pháp luật chưa thật hiệu lực, hiệu quả; thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, phức tạp; một số cán bộ công chức sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, không dám đề xuất, không dám quyết định…
Đồng thời, có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản như đầu tư dàn trải, vượt quá năng lực tài chính, quản trị hoặc xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, muốn tối đa hoá lợi nhuận, chưa thật sự bảo đảm hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng. Cá biệt có doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật, có trường hợp vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự.
“Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ phía các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là nhà đầu tư lướt sóng, trong đó có giới đầu nậu, môi giới, đầu cơ làm nhiễu loạn thị trường bất động sản”, ông Châu nói.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, Reatimes)