Thị trường được dự báo sẽ đối mặt với khó khăn khi bên cạnh chi phí vốn vay gia tăng là nỗi lo nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái và lợi nhuận của các doanh nghiệp suy giảm do tác động của lạm phát cao. Dòng vốn ngoại có khả năng sẽ rút ròng trong giai đoạn cuối năm nay…
Trong khu vực châu Á, quyết tâm kiềm chế lạm phát của Fed bằng cách tăng lãi suất giúp USD mạnh lên, dẫn đến dòng vốn ngoại có xu hướng rút ròng.
Thị trường biến động trong những phiên vừa qua được nhìn nhận do bị ảnh hưởng không nhỏ từ yếu tố quốc tế, đồng thời trong nước, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022; tăng lãi suất điều hành; bán USD, thu VND về nhằm ổn định tỷ giá; lãi suất liên ngân hàng tăng cao…
Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 16/9, khối ngoại đã rút 423 triệu USD khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á, không bao gồm Trung Quốc. Đây là tuần bán ròng thứ tư liên tiếp. Lũy kế từ đầu năm nay, giá trị bán ròng lên tới 64 tỷ USD, nhiều hơn mức thoái vốn của cả năm ngoái.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp do áp lực lạm phát chưa lớn. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng thì thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động lớn hơn, vì chi phí lãi vay của các doanh nghiệp tăng trong khi sức cầu tiêu thụ có dấu hiệu giảm và dòng tiền có khả năng rút khỏi kênh chứng khoán để quay trở lại kênh tiền gửi.
Trong bối cảnh Fed và một loạt ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất, gây áp lực lên tỷ giá, ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ 2,5% lên 3,5%, trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%, áp dụng từ ngày 23/9.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, hành động trên của Ngân hàng Nhà nước là tương đối quyết liệt và kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Mức tăng 1% cao hơn so với dự báo của thị trường, nên ít có khả năng cơ quan này có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành trong quý cuối năm 2022.
Trên thị trường vẫn sẽ có không ít cơ hội đầu tư. Một số nhóm ngành đáng chú ý trong quý cuối năm 2022 như xây dựng và vật liệu được hưởng lợi từ đầu tư công. Nhóm ngành bảo hiểm sau nhiều năm mới có sự tăng trưởng hơn 20% về lợi nhuận nhờ kinh tế phục hồi và nhu cầu bảo hiểm quay lại sau đại dịch Covid-19, môi trường lãi suất, lợi suất trái phiếu ở mặt bằng cao hơn. Nhóm ngành có nền tảng tăng trưởng tốt gồm công nghệ thông tin, bán lẻ, ngân hàng. Nhóm ngành ít bị tác động bởi lạm phát là điện, thực phẩm và đồ uống, thiết bị gia dụng, bao bì đóng gói, dược. Một số mã cổ phiếu tiềm năng có thể xem xét đầu tư như VNM, FPT, HPG, SAB, BMP, MWG, DRC, VCG.
Việc Fed tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% lần thứ ba liên tiếp đúng như dự báo của phần đông giới quan sát. Tuy vậy, định hướng lãi suất cao nhất (terminal rate) của Fed cho năm 2022 là 4,4% và năm 2023 là 4,6%, cao hơn khá nhiều so với mức lần lượt 3,4% và 3,8% ở thời điểm tháng 6, cho thấy quan điểm thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát của cơ quan này.
Lãi suất tăng khiến cho nền kinh tế Mỹ có nguy cơ tăng trưởng chậm, thậm chí rơi vào suy thoái. Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư toàn cầu có xu hướng quay trở lại Mỹ, qua đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn thế giới. Nhìn lại lịch sử, giai đoạn gần đây nhất là 2017 – 2018, khi Fed liên tục nâng lãi suất từ quanh 0,5% lên 2,5% khiến thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm mạnh trong năm 2018 và chúng ta cũng đã chứng kiến những tác động tương tự kể từ đầu năm 2022 tới nay.
Với dự đoán thị trường sẽ tiếp tục tích lũy trong giai đoạn từ nay tới cuối năm và VN-Index dao động trong khoảng 1.140 – 1.300 điểm, tôi cho rằng, dòng tiền trên thị trường sẽ khó tăng mạnh, mà chủ yếu duy trì ở mức hiện tại và quay vòng giữa các nhóm ngành, cổ phiếu khác nhau để tìm kiếm cơ hội.
Tổng Hợp