Cùng với sự sôi động nói trên, thời gian gần đây, thị trường bất động sản còn ghi nhận sự quan tâm mạnh mẽ trở lại của “khối ngoại”. Cổ phiếu bất động sản vẫn còn nhiều dư địa tăng giá.
Sự ấm nóng của thị trường cũng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản tự tin hơn với các kế hoạch tăng vốn, tăng doanh thu và lợi nhuận. Theo Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), năm 2021, doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất, ghi nhận 318.200 tỷ trong năm 2021, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020. Số lượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành tăng từ 141 năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021.
Nguồn cung mới dự kiến tăng mạnh, các doanh nghiệp trở lại mạnh mẽ với nhiều kế hoạch tham vọng, những điều này cũng mang lại tâm lý phấn khởi cho thị trường. Mới đây nhất, đại diện 2 đơn vị trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP.HCM) cho biết đang nỗ lực “xoay” tiền để nộp ngân sách theo quy định. Theo các chuyên gia, nếu cam kết này được thực hiện cũng sẽ tạo ra niềm tin nơi thị trường, có tác động tích cực đến cổ phiếu nhóm bất động sản.
Trao đổi cùng phóng viên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu các doanh nghiệp trúng đấu giá có thể nộp tiền như cam kết sẽ ít nhiều tạo nên động lực cho thị trường, trong đó có thị trường cổ phiếu. Với các cổ phiếu bất động sản vẫn tiềm năng tăng giá trong năm 2022 là vẫn còn, nhưng mức độ thì còn phụ thuộc vào nền kinh tế, vào thị trường chung.
“Với đà hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, cũng như lượng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào rất mạnh mẽ bất chấp đại dịch, thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng và sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong đó các nhóm ngành như bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng và nhà ở vẫn rất tiềm năng. Cùng với, cổ phiếu nhóm bất động sản cũng có nhiều cơ hội tăng giá”, ông Thịnh cho hay.
Với việc đang có được nhiều bối cảnh vĩ mô thuận lợi như Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai, gói kích thích phục hồi kinh tế bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực, việc mở lại các đường bay quốc tế và bình thường mới trở lại…, các thành viên thị trường địa ốc đang duy trì được tâm lý hào hứng, lạc quan để chuẩn bị cho trận đánh lớn trong năm 2022.
Các doanh nghiệp liên tục công bố những kế hoạch táo bạo cho năm 2022 như kế hoạch phát triển quỹ đất, dự án mới, kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ấn tượng, thậm chí gấp nhiều lần năm 2021. Cùng với đó, thị trường còn chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của những doanh nghiệp ngoài ngành, hoặc doanh nghiệp trong ngành lấn sân sang lĩnh vực mới.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG – HOSE) công bố quỹ đất lên đến 2.000 ha, trong đó đã có 700 ha đất thương phẩm, sản phẩm hướng đến là các đại đô thị diện tích từ 300 – 500 ha. Đất Xanh Group (DXG – HOSE) công bố quỹ đất sở hữu lên đến 2.310 ha và đang triển khai 2 dự án Opal Park View (gần 6.800 sản phẩm) và Opal Park City (gần 7.400 sản phẩm), dự kiến bắt đầu mở bán từ năm 2023. SSIAM, thành viên của Chứng khoán SSI (SSI – HOSE) hợp tác cùng Công ty cổ phần Shinec nghiên cứu cơ hội đầu dự án Khu công nghiệp Ninh Sơn, Khánh Hoà, quy mô 620 ha…
Hay như việc, Công ty cổ phần DRH Holdings (DRH – HOSE) lần đầu tiên đặt ra những mục tiêu cao kỷ lục kể từ khi thành lập, với kế hoạch lợi nhuận 212 tỷ đồng, gấp hơn 13,5 lần con số thực hiện năm 2021; Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG – HOSE) cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu cả năm 4.612 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 1.910 tỷ đồng. So với con số ước thực hiện năm ngoái, doanh thu có thể tăng trưởng 62% và lợi nhuận dự kiến tăng 59%.
Tương tự, Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ – CenLand (CRE – HOSE) cũng đặt mục tiêu tăng vốn từ 2.016 tỷ đồng lên hơn 4.637 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm hơn 262 triệu cổ phiếu, về doanh thu, CenLand đặt mục tiêu 10.000 – 12.000 tỷ đồng (gấp khoảng 2 lần doanh thu năm 2021: 5.597,58 tỷ đồng).
Tổng Hơp