Dòng tiền này được nhận định sẽ không dễ rút ra, dù VN-Index gần đây có dấu hiệu chững lại đà tăng và thanh khoản giảm. Cơ hội từ kênh chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp cũng như xu hướng đầu tư cổ phiếu nở rộ trên toàn cầu khiến người dân ngày càng quan tâm đến thị trường vốn.
Cuối năm 2020 đến nay, dòng tiền ùn ùn đổ vào kênh đầu tư chứng khoán. Quý I/2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, thị trường chứng khoán lao dốc, nhưng sau đó phục hồi mạnh.
Toàn thị trường có hơn 3,2 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước, chiếm khoảng 3,4% dân số, còn khiêm tốn so với tỷ lệ của các thị trường lân cận như Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia, Đài Loan. Dư địa tăng trưởng số người đầu tư chứng khoán vẫn còn trong bối cảnh thu nhập của người dân không tăng vì bị tác động bởi dịch Covid-19 nên mong muốn tìm kênh đầu tư hiệu quả và thanh khoản như chứng khoán, nhất là khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, chưa thể tăng lên ngay. Kinh tế sẽ dần phục hồi và lãi suất không biến động quá mạnh trong 12 tháng tới, nên có khả năng một bộ phận nhà đầu tư chứng khoán sẽ rút tiền về để đầu tư vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhưng không ảnh hưởng lớn đến thị trường nhờ triển vọng phát triển trong trung và dài hạn. Về cơ bản, dòng tiền sẽ ở lại thị trường, xoay vòng tìm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu khác nhau.
VN-Index đang ở đỉnh cao lịch sử, tổng vốn hóa cả 3 sàn chứng khoán bằng 76,5% GDP, vẫn thấp hơn đáng kể so với thị trường Hàn Quốc ở mức 83,8%, Thái Lan 106,9%, Malaysia 111,5%… Tương tự, quy mô thị trường trái phiếu cũng thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Trong mối tương quan với quy mô tín dụng ngân hàng, tổng quy mô thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu chỉ tương đương 70%. Như vậy, xét về mặt tổng thể, sự phát triển của thị trường chứng khoán sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn. Bên cạnh kỳ vọng sức bật của nền kinh tế khi Việt Nam đã có kinh nghiệm trong các đợt phòng chống dịch Covid-19 trước đó và đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, ông Trần Hoàng Thế Kiệt, chuyên viên phân tích cao cấp Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhìn nhận, dòng tiền đổ vào chứng khoán là bền vững khi các yếu tố cơ bản của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng tốt.
Dòng tiền chủ yếu chảy vào nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực và các mã blue-chips (thuộc VN30). Tuy giá tăng cao nhưng dòng tiền này không mang tính chất đầu cơ, giúp thị trường chung có đà tăng bền vững từ quý II/22020 đến nay, VN-Index lập kỷ lục về thanh khoản và điểm số. Việc dòng tiền dịch chuyển qua kênh chứng khoán là dễ hiểu theo nguyên lý “nước chảy chỗ trũng”. Trong tháng 5/2021, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt 114.000, giúp số lượng tài khoản mở mới trong 5 tháng đầu năm 2021 vượt qua con số của cả năm 2020.
Dòng tiền dồi dào trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có nguyên nhân chính đến từ việc mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Do đó, dòng tiền đầu tư chứng khoán có rút ra khỏi thị trường hay không sẽ phụ thuộc chính vào hai yếu tố: lãi suất có tăng trở lại hay không và đà tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp có được duy trì hay không.
Nếu lạm phát tăng mạnh thì Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất tăng lên. Các tổ chức tài chính lớn đều đánh giá, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay và năm sau ở mức cao, khả năng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng ổn định, nên đây không phải yếu tố đáng lo ngại.
Tĩnh Kiên