Tại thị trường Việt Nam, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng từ đầu năm 2021 tương đồng với xu hướng bán ròng ở hầu hết các thị trường mới nổi trong khu vực. Với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp thì dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn có xu hướng chảy vào thị trường chứng khoán.
Động thái bán ròng có thể duy trì trong nửa cuối năm trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường phát triển, hưởng lợi từ quá trình tái mở cửa nền kinh tế khi chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng dịch Covid-19 được triển khai hiệu quả, trái ngược với bối cảnh dịch bùng phát ở nhiều nước đang phát triển.
Ngoài ra, sự cố hạ tầng kỹ thuật (nghẽn lệnh) của sàn HOSE, hay rủi ro từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất cũng là nguyên nhân cản trở các quỹ ngoại gia nhập thị trường. Dù vậy, động thái bán ròng của khối ngoại hiện nay không có tác động đáng kể, do dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế vượt trội.
Theo nhiều dự báo, kết quả kinh doanh quý II/2021 sẽ nổi bật ở nhóm ngành thép, chứng khoán, ngân hàng. Tính toán của bộ phận nghiên cứu Công ty cổ phần chứng khoán Everest (EVS) cho biết, nếu tính P/E 4 quý gần nhất thì nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) là 15 lần, nhưng P/E dự kiến 2021 chỉ 8,9 lần. Tỷ lệ này ở nhóm nguyên vật liệu là 14,6 lần và 8,5 lần. Nghĩa là, lợi nhuận nửa cuối năm của doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành này sẽ giúp định giá theo P/E trở nên hợp lý hơn. Nhóm chứng khoán dự kiến đạt kết quả kinh doanh tốt, giá cổ phiếu đã phản ánh tương đối kỳ vọng của nhà đầu tư. Dư địa tăng giá hiện tại khoảng dưới 10%, nhưng có sự chắc chắn nhất định nhờ hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, vì đã có kỳ vọng quá cao ở một số mã, nên dù tăng trưởng lợi nhuận tốt so với cùng kỳ cũng có thể chịu áp lực giảm giá. Vì thế, nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn cổ phiếu ngân hàng có “câu chuyện riêng”. Với các cổ phiếu đi lên theo ngành, tốt cả ngành, thì nhà đầu tư nên ưu tiên vào mã đầu ngành. Còn ở những cổ phiếu riêng lẻ phải nhìn lợi nhuận doanh nghiệp có tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ hay không. Các nhóm thủy sản, dầu khí, phân bón không nổi bật cả nhóm ngành, chỉ nổi bật ở các cổ phiếu đầu ngành.
Với bất động sản, nhiều cổ phiếu tăng giá cách đây khoảng 1 tháng, đa phần kỳ vọng không đến từ triển vọng lợi nhuận, mà đến từ việc dòng tiền đầu cơ tìm đến những cổ phiếu bị định giá thấp. Bất động sản là nhóm có vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường chưa tăng giá nhiều, trong khi các nhóm dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép tăng giá mạnh mẽ, nên nhà đầu tư nhìn sang bất động sản có cảm nhận cổ phiếu có định giá thấp, giá còn rẻ. Điểm rơi lợi nhuận của ngành bất động sản ở 2 quý cuối năm, nên chưa thể kỳ vọng nhiều vào nhóm cổ phiếu bất động sản trong tháng 7.
Bất cứ nhịp điều chỉnh đáng kể nào của thị trường (trong kịch bản các yếu tố rủi ro không làm thay đổi điều kiện cơ bản của thị trường trong dài hạn) đều là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng, tích luỹ cổ phiếu. Nhịp điều chỉnh khả năng cao nhất sẽ xuất hiện trong nửa sau của quý III khi hiệu ứng tích cực từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II qua đi, áp lực chốt lời vùng giá cao cần được giải toả và các yếu tố rủi ro gia tăng (Fed đề cập đến việc sẽ giảm quy mô chương trình mua vào tài sản trong kỳ họp tháng 9 tới, giá cả hàng hoá tiếp tục đi lên khiến rủi ro lạm phát tăng, dịch Covid-19 có nguy cơ tái bùng phát bởi chủng virus mới…).
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các cổ phiếu niêm yết trên HOSE liên tục giảm từ mức 20,9% đầu năm 2020 xuống còn 18,1% tính đến ngày 18/6/2021. Giám đốc Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Matthew Smith cho biết, tốc độ bán ròng của khối ngoại gia tăng trong những tháng đầu năm 2021. Tính đến ngày 18/6/2021, khối ngoại đã bán ròng 1,4 tỷ USD cổ phiếu niêm yết trên thị trường Việt Nam, con số này cao hơn 67% so với tổng giá trị bán ròng của cả năm 2020. Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng 70% số ngày giao dịch tính từ đầu năm 2021, nhưng điều này không tác động lớn đến giá cổ phiếu. Chỉ số VN-Index vẫn tăng 25% và Top 5 cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất có mức tăng giá trung bình 58%, mức khá cao dù có một cổ phiếu giảm giá. Nền kinh tế sau khi GDP tăng trưởng cao trong quý II là dịch bệnh có thể ảnh hưởng không nhỏ trong tháng 7, có thể kéo dài trong quý III và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp cho thấy sức mua yếu, nhưng trong ngắn hạn, đây là tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán. Lạm phát thấp, sức cầu tiêu dùng yếu, cộng với lãi suất duy trì ở mặt bằng thấp thì dòng tiền khó có thể chảy mạnh vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường. Theo đó, tiền đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội sinh lời trên thị trường chứng khoán.
Phiên giao dịch đầu tháng 7/2021, hầu hết cổ phiếu lớn đều giữ sắc xanh, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục tạo sóng, nối dài đà tăng và dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu tài chính – ngân hàng… Một trong những lý giải về giao dịch sôi động và sắc xanh trên bảng điện tử trong phiên này là cho vay ký quỹ (margin) đã được một số công ty chứng khoán mở lại sau khi hạn chế cho vay, thậm chí ngừng cho vay để chốt số liệu cho báo cáo tài chính bán niên 2021 trong những ngày cuối tháng 6.
Tĩnh Kiên