Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, huy động vốn trên địa bàn bắt đầu tăng trở lại vào tháng 3 (tăng 0,76% so với tháng trước), sau 2 tháng giảm liên tục. Dòng tiền nhàn rỗi đang quay trở lại dù lãi suất tiền gửi tiếp tục ở mức thấp huy động vốn của các ngân hàng tăng trở lại.
Dự ước đến cuối tháng 4, vốn huy động trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng (tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm). Đáng lưu ý, bộ phận tiền gửi tiết kiệm dân cư duy trì tăng trưởng so với cuối năm trước ở mức tăng 1,22% và chiếm tỷ trọng khoảng 39% trong tổng huy động vốn. Như vậy, dòng tiền nhàn rỗi đã quay trở lại ngân hàng sau 2 tháng đầu năm sụt giảm, bất chấp việc lãi suất tiền gửi tiếp tục được các ngân hàng duy trì ở mức thấp.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố trong tháng 4/2021. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho thấy lãi suất gửi tiết kiệm bằng VNĐ đến cuối tháng 4 được áp dụng phổ biến ở mức 3,2% – 3,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 3,8% – 6,3%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/4 ước đạt 2,92 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm trước. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư ước đạt 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39% và tăng 1,57% so với cuối năm ngoái. Tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế ước đạt 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 53% và giảm 0,38% so với cuối năm ngoái…
Đầu tháng 5, nhiều ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm. Theo đó, lãi suất có sự chênh lệch khá lớn giữa các nhóm ngân hàng. Các ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tháng 5/2021 theo hướng tăng nhẹ là SHB, PGBank, Vietcapital Bank và ACB. Cụ thể, so với đầu tháng 4, lãi suất tiết kiệm tháng 5 của SHB đã tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn. PGBank cũng tăng 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 và 3 tháng lên 3,7%/năm. Còn Vietcapital Bank tăng 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6 tháng lên 5,9%/năm. Tại ACB, lãi suất huy động tăng 0,05-0,3 điểm phần trăm tùy theo từng kỳ hạn.
Nhiều ngân hàng như VietBank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VIB, ACB, VPBank, MSB vẫn giữ nguyên lãi suất tiết kiệm so với tháng trước. Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi của 4 “ông lớn” ngân hàng là VietinBank, Agribank, Vietcombank và BIDV vẫn giữ mức ổn định so với tháng trước, trong đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,6%/năm.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất tiết kiệm trong tháng 5 vẫn đi ngang, chưa biến động nhiều. Một số ngân hàng tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động nhưng chỉ ở mức tăng, giảm nhẹ. việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng, giảm đan xen ở các ngân hàng là diễn biến bình thường, tùy vào nhu cầu huy động vốn của mỗi ngân hàng ở từng giai đoạn. Động thái tăng lãi suất đầu vào của một vài nhà băng chỉ mang tính chất cục bộ, chưa phải xu hướng chung của toàn ngành.
Kiên Cương