Phiên 16/8, dòng tiền lớn trở lại thị trường chứng khoán theo cách khá mạnh mẽ khi thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE vọt lên 26.150 tỷ đồng. Chỉ số VN-Index nhờ đó mà tăng 13,91 điểm, tương đương 1,03%, lên 1.370,96 điểm.
Toàn bộ cổ phiếu ngân hàng trên sàn HoSE tăng điểm, trong đó nổi bật là VPB tăng 3,14%, TCB tăng 3,45% và MBB tăng 4,73%.
Cổ phiếu chứng khoán thăng hoa khi VCI, FTS, VIX, AGR, TVS, CTS, VDS… tăng kịch trần. SSI và HCM cũng tăng mạnh, lần lượt có thêm 5,25% và 5,29%.
Trái lại, nhiều cổ phiếu bất động sản lao dốc, trong đó VHM giảm tới 3,33% sau thông tin Vingroup dự tính bán hơn 100 triệu cổ phiếu. VIC cũng giảm nhẹ. Tuy vậy, sắc xanh nhìn chung vẫn lấn lướt sắc đỏ. Ở nhóm sản xuất, GVR gây sốt khi sớm tăng kịch trần. HPG cũng tăng 1,64%. Trái lại, VNM và SAB giảm lần lượt 0,44% và 0,13%. Còn MSN thì đứng giá tham chiếu. Sắc xanh áp đảo sắc đỏ ở các cổ phiếu còn lại, trong đó bộ đôi FIT – DCL tăng kịch trần.
Tình hình phân hóa ở nhóm năng lượng và bán lẻ: GAS và POW tăng lần lượt 1,29% và 1,33% nhưng PLX giảm 1,51%; PNJ đứng giá tham chiếu còn MWG lại giảm 0,53%. Ngành hàng không bi đát hơn khi VJC và HVN đều giảm, lần lượt mất đi 0,59% và 0,23% giá trị. Toàn sàn HoSE có 266 mã tăng giá, 32 mã đứng giá tham chiếu và 117 mã giảm giá.
Ở một góc nhìn khác, cổ phiếu smallcap lại đang hút dòng tiền, dòng tiền thể hiện tính đầu cơ nhiều hơn, đánh vào các ngách nhỏ. Biểu hiện dễ thấy là chỉ số VNSmallcap đã vượt đỉnh, trong khi VN30 hay VNMidcap vẫn còn cách khá xa. Quan sát diễn biến thị trường trong gần 3 tuần qua, một nhà đầu tư kỳ cựu nhận xét, nhiều ngành dẫn dắt nhịp tăng đã “nóng”, chạy trước lợi nhuận, nổi bật là nhóm bất động sản.
Ngành này đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và dự báo ít nhất phải cuối năm nay mới khởi sắc, nhưng một số cổ phiếu bất động sản đã tăng chóng mặt trong một thời gian ngắn, vượt qua đỉnh lịch sử khiến lãnh đạo doanh nghiệp ngỡ ngàng. Trên nhiều diễn đàn đầu tư, nhiều người vẫn không ngừng “hô hào” mua vào cổ phiếu bất động sản, cảng biển…, trong khi lợi nhuận quý II và dự báo quý III của nhiều doanh nghiệp chưa thực sự khả quan.
Trên thị trường luôn song hành hai trường phái đầu tư, có nhiều nhà đầu tư ưa thích ngắn hạn (trường phái T+), nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư ưa cầm dài hạn. Các quỹ đầu tư thường đi theo chiến lược đầu tư dài hạn, nhưng nhà đầu tư cá nhân không thể rập khuôn theo, xuất phát từ sự khác biệt về quy mô vốn và thời gian có thể nắm giữ cổ phiếu.
Vậy nên, không có chuyện đúng, sai ở cách đầu tư, quan trọng là phải chọn đúng mã cổ phiếu và đúng thời điểm. Chính nhờ có nhà đầu tư ưa thích lướt sóng mà thị trường chứng khoán có sự sôi động, giao dịch liên tục.
Nhật Hạ