Yêu cầu hàng loạt ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng cấp tín dụng với các đối tượng tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm, bao gồm cả cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu… được coi là cú ra đòn đầu tiên của NHNN đối với tín dụng bất động sản đầu cơ, ngay ngày đầu tiên làm việc của năm 2022.
Không chỉ ra đòn cảnh báo với tín dụng bất động sản đầu cơ, từ cuối tuần này, Thông tư 16/2021/TT-NHNN sẽ có hiệu lực. Theo đó, bắt đầu từ ngày 15/1/2022, hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Đáng chú ý, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích đảo nợ, góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp khác hoặc để tăng vốn. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của mình.
Việc chặn dòng vốn đầu cơ từ ngân hàng sang bất động sản cả hai kênh tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ khiến tình trạng đầu cơ bất động sản giảm bớt, từ đó bình ổn thị trường bất động sản và giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Trong Nghị quyết 01/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ tiếp tục đưa ra yêu cầu hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đầu tuần này, Quốc hội cũng đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Việc Ngân hàng Nhà nước có động thái chặn tín dụng đầu cơ bất động sản ngay trước khi gói hỗ trợ lãi suất này được triển khai cũng phát tiếng nói cảnh báo cho tất cả các bên. Theo NHNN, tín dụng năm 2022 sẽ được nắn vào các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với lĩnh vực rủi ro tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Trên thực tế, tín dụng bất động sản chưa đến mức đáng báo động.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc “phanh” tín dụng bất động sản đầu cơ là việc làm rất cần thiết. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực xóa sở hữu chéo, song việc cho vay sân sau vẫn hết sức phức tạp. Việc ngân hàng dồn vốn cho các doanh nghiệp bất động sản thân hữu không chỉ gây sốt nóng cho thị trường bất động sản, mà còn gây bất ổn cho cả nền kinh tế và cả hệ thống ngân hàng.
“Nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay sân sau, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ…, thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của cơ quan thanh tra giám sát”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói. Cũng theo chuyên gia này, do quỹ đất ngày càng khan hiếm, doanh nghiệp đổ xô xây nhà cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận, nên nhà ở ngày càng trở thành giấc mơ xa xỉ với người nghèo và người có thu nhập trung bình. Đồng thời, việc này đẩy một số phân khúc bất động sản rơi vào tình trạng bong bóng.
Hệ quả nhãn tiền là sau khi Ngân hàng Nhà nước tuýt còi tín dụng, một loạt ngân hàng TMCP lên tiếng khẳng định không cấp tín dụng cho các đối tượng trên và đã có tập đoàn bất động sản lên tiếng bỏ cọc lô đất vàng Thủ Thiêm.
Tổng Hợp