Dòng tiền đang quay trở lại thị trường, trong đó, những dự án đáp ứng nhu cầu thực, giá hợp lý và tiến độ thanh toán linh hoạt tiếp tục được săn đón.
Chưa bao giờ thị trường bất động sản đón nhận nhiều chính sách tháo gỡ như thời gian vừa qua. Càng về cuối năm, các tín hiệu khởi sắc càng thể hiện rõ nét do những chính sách dần phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay liên tục hạ nhiệt, lãi suất huy động điều chỉnh về mức thấp, từ hơn 10%/năm còn hơn 5% cho kỳ hạn 12 tháng. Giới phân tích nhận định, dòng tiền tiết kiệm sau đáo hạn một phần đi đến thị trường chứng khoán và điểm cuối sẽ là bất động sản vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Trước nhiều chỉ dấu tích cực, từ đầu quý 3 đến nay, hàng loạt chủ đầu tư lớn đã khởi động dự án trở lại. Nhận diện cơ hội để mua nhà, các chuyên gia cho rằng, những sản phẩm có pháp lý và tiến độ xây dựng đảm bảo, tại những khu vực nhiều tiềm năng về nhu cầu ở thực cũng như khai thác cho thuê sẽ là kênh trú ẩn an toàn của dòng tiền.
Thực tế cho thấy, 80% lượng giao dịch trong quý 2/2023 đến từ căn hộ chung cư có pháp lý và tiến độ đảm bảo, phát triển bởi chủ đầu tư uy tín, theo báo cáo của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Việt An Hòa, nhận định trong nửa cuối năm 2023, về cơ bản những vướng mắc pháp lý của thị trường nhà đất đã được tháo gỡ. Bất động sản nói chung, đất nền nói riêng đã có dấu hiệu về chuyển biến giao dịch.
“Đất nền dường như đã tạo đáy và xét về lâu dài, sức hút của loại hình này rất khó giảm. Khi những khó khăn được tháo gỡ, thị trường phục hồi trở lại hoàn toàn, các kênh huy động vốn được khơi thông, thì nhu cầu với phân khúc này sẽ lại tăng lên, kéo theo đó là giá bán tiếp tục biến động”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, không phải sản phẩm đất nền nào giảm giá sâu cũng là cơ hội của người mua. Nhà đầu tư cần tỉnh táo xác định được các tiêu chí của một dự án tiềm năng để lựa chọn, tránh “mắc kẹt”.
Cần nhắc lại, thời kỳ “tiền rẻ” kéo dài từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022 chính là thời gian thị trường bất động sản nổi sóng, giá nhà đất nhảy múa. Vì vậy, khi những tín hiệu cho thấy lãi suất hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng “bổn cũ soạn lại”, dòng tiền chảy vào địa ốc sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, kỳ vọng trên là không thể, bởi thời kỳ “tiền rẻ” cho bất động sản đã qua, và bài toán vốn sẽ tiếp tục là “bài toán khó” với doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngắn và trung hạn.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích tại Chứng khoán Nhất Việt, đánh giá việc hạ lãi suất trong thời kỳ này có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Dòng tiền sẽ khó giữ ở vùng giá rẻ lâu như vào giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2022.
Lãi suất có thể hạ nhiệt, nhưng dòng tiền rót vào nhà đất chắc chắn sẽ được kiểm soát chặt, hướng vào các dự án giá bình dân, nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu ở thực hoặc các dự án có tiềm năng cao.
Chưa kể, lãi suất cho vay đã giảm, nhưng lãi suất vay mua nhà vẫn duy trì ở mức cao. Nếu vay số tiền 2 tỷ đồng trong khoảng thời gian 5 năm với mức lãi suất dao động 11-13%/năm, mỗi tháng tiền lãi và gốc phải trả khoảng hơn 30 triệu đồng. Đây rõ ràng là con số khiến các nhà đầu tư có ý định vay tiền ngân hàng để “lướt sóng” nhà đất phải cân nhắc, đồng thời chấp nhận rủi ro lớn.
Không thể phủ nhận những thông tin về lãi suất nhà băng đang giảm mạnh phần nào đó thổi thêm hơi ấm vào thị trường bất động sản vốn đang nhuốm màu u ám, giúp tâm lý của nhà đầu tư gỡ được nhiều gánh nặng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc kỳ vọng có dòng tiền “rẻ” để kinh doanh nhà đất ở thời điểm hiện tại là… “nhiệm vụ bất khả thi”.
Tổng Hợp
(Tổ Quốc, VNB)