Tín dụng thời gian tới có thể đẩy mạnh hơn, bởi áp lực về chi phí tín dụng giảm do có sự hỗ trợ từ chính sách của cơ quan quản lý, trong khi kinh tế dần khởi sắc.
Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc. Trong đó, lượng khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam có chiều hướng tích cực. Việt Nam đã đón gần 1 triệu du khách trong vòng hai tháng qua, tương đương 70% mức năm 2019 (trước dịch Covid-19). Có hai nguồn khách du lịch đáng quan tâm là du khách Hàn Quốc đã phục hồi tới 80% của mức trước đại dịch, trong khi tỷ lệ này mới chỉ đạt 35% đối với du khách Trung Quốc.
“Những nút thắt đang tiếp tục được tháo gỡ. Một mặt, Việt Nam đã phục hồi các chuyến bay trực tiếp với Trung Quốc, đạt khoảng 40% mức của năm 2019, cao thứ nhì trong các nước thuộc ASEAN, chỉ sau Singapore (53%). Trong khi đó, Quốc hội đang xem xét việc nới lỏng các hạn chế về thị thực, vốn được thị trường mong đợi từ lâu. Với những nỗ lực thúc đẩy du lịch, Việt Nam nhiều khả năng sẽ chứng kiến một cú huých mạnh hơn trong quý IV/2023, mặc dù hơi trễ so với ước tính ban đầu của chúng tôi”, bà Yun Liu nói.
Đáng chú ý, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 6/2023, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt 8,85 tỷ USD, tăng 8,2% (672 triệu USD) so với nửa cuối tháng 5/2023.
“Tín dụng đang dần hồi phục nhờ sự khởi sắc của lĩnh vực xuất nhập khẩu dự báo sẽ mạnh mẽ hơn từ nửa cuối năm 2023 và những tín hiệu tích cực hơn của thị trường bất động sản”, vị tổng giám đốc trên nhận xét.
Hiện tại, trong khi những ngân hàng lớn chưa dùng hết hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng thì một số ngân hàng nhỏ và vừa đã gần hết room. Vị tổng giám đốc trên cho biết, Ngân hàng được cấp room tín dụng thời điểm đầu năm 2023 khoảng 8%, nhưng hiện tại sắp cạn.
“Chúng tôi đang rất cần và xin nới room tín dụng để phục vụ cho vay nhóm khách hàng chủ yếu của Ngân hàng là vay ngắn hạn và trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Ngân hàng kỳ vọng, room tín dụng mới được cấp khoảng 6% để đạt mức bình quân chung của hệ thống”, vị tổng giám đốc nói.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại TP.HCM cho hay, room tín dụng của ngân hàng được cấp trong những tháng đầu năm 2023 chưa dùng hết, nhưng nhiều khả năng nhu cầu tín dụng cuối năm sẽ thay đổi theo hướng tích cực nên xin cấp thêm room từ bây giờ để tránh “giật cục” trong việc cho vay, đảm bảo giải ngân được liên tục, không bị gián đoạn.
Với VPBank và MB, lãnh đạo cao cấp của cả hai ngân hàng chia sẻ, ngân hàng đã hết room tín dụng, đang xin thêm 10% để tổng thể cả năm 2023 là 22%.
Ngày 15/6/2023, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 225/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay. Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6/2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất – kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.
Một lãnh đạo cao cấp LPBank cho biết, tính đến 28/6/2023, sau 20 ngày triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất – kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất từ 7,5%/năm và khách hàng cá nhân từ 8,5%/năm, Ngân hàng đã giải ngân gần hết gói tín dụng. Cụ thể, có 514/561 điểm giao dịch của LPBank trên toàn quốc, bao gồm cả địa bàn đô thị và nông thôn phát sinh khách hàng vay vốn, với tổng doanh số giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng trong gói ưu đãi trị giá 8.000 tỷ đồng, số lượng khách hàng được vay vốn là hơn 5.000 khách hàng.
“Đây là điều rất bất ngờ. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, Ban lãnh đạo LPBank đã quyết định tăng thêm 2.000 tỷ đồng hạn mức cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp, nghĩa là nâng quy mô gói ưu đãi lên 10.000 tỷ đồng. Mức lãi suất sẽ không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn”, vị lãnh đạo LPBank nói.
Theo lãnh đạo LPBank, thời gian qua, Ngân hàng đã tìm mọi giải pháp như giảm chi phí huy động đầu vào theo xu hướng thị trường, tiết giảm chi phí hoạt động như tự động hóa các quy trình, số hóa các hoạt động để tăng năng suất lao động, cũng như các giải pháp giảm chi phí hoạt động khác. Đây chính là cơ sở để LPBank có thể triển khai, duy trì chương trình ưu đãi lãi suất cho các khách hàng.
Tương tự, nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, nhà ở, tuần qua, MSB thông báo giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với lãi suất hiện hành, áp dụng đến hết 31/12/2023. Đối tượng được hưởng ưu đãi là tất cả khách hàng cá nhân vay có tài sản bảo đảm đang có dư nợ tại MSB, thỏa mãn các điều kiện của chương trình. Đây là lần thứ hai trong năm 2023, MSB giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng đang có dư nợ.
Với nhóm khách hàng mới, MSB đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh về lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay như cho vay kinh doanh, cho vay bất động sản, thế chấp linh hoạt… Trong đó, tiêu biểu là gói giải pháp “Cơn lốc kinh doanh” với lãi suất 10,5%/năm, vay mua bất động sản có lãi suất 10,99%/năm.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó tổng giám đốc MSB chia sẻ, bên cạnh việc thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, Ngân hàng kỳ vọng có thể giúp khách hàng tối ưu chi phí, kịp thời bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hiện thực hóa các nhu cầu chi tiêu, đồng thời thể hiện mong muốn khách hàng tiếp tục tin tưởng, gắn bó với MSB.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, tín dụng thời gian tới có thể đẩy mạnh hơn, bởi áp lực về chi phí tín dụng giảm do có sự hỗ trợ từ chính sách của cơ quan quản lý. Cụ thể, dù “sức khỏe” bảng cân đối của ngành ngân hàng kém lạc quan trong thời gian qua, nhưng với việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 23/4/2023 đã giúp các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, làm mềm xu hướng gia tăng của tỷ lệ nợ xấu và giảm áp lực trích lập chi phí dự phòng trong những quý cuối năm 2023.
“Bên cạnh đó, dự báo nhu cầu về tín dụng sẽ hồi phục từ những tháng cuối năm 2023 trở đi”, vị tổng giám đốc nói.
Tổng Hợp
(ĐTCK)