Lãi suất giảm sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế. Dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán.
Sau hai đợt giảm lãi suất điều hành trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm thêm một số loại lãi suất, trong bối cảnh kinh tế vẫn còn đối diện với không ít khó khăn nhưng lạm phát được kiểm soát và thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo.
Giảm lãi suất đương nhiên là thông tin tích cực đối với nền kinh tế, tiếp tục thể hiện Ngân hàng Nhà nước dám đi trước về chính sách tiền tệ so với các quốc gia lớn trên thế giới, qua đó tạo động lực cho thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, lần giảm lãi suất này không mang hiệu ứng tâm lý mạnh như đợt đầu, vì lãi suất giảm thêm dường như đã nằm trong suy đoán của nhiều nhà đầu tư. Câu chuyện tiếp theo về chính sách tiền tệ và thị trường chứng khoán có thể là kỳ vọng lãi suất giảm thêm và kiểm chứng các chính sách phát huy tác dụng như thế nào.
Nhìn chung, lãi suất cho vay giảm thấp so với mức giảm của lãi suất huy động, không ít doanh nghiệp đang chịu áp lực vì lãi suất các khoản vay cũ ở mức 13 – 14%/năm, một số khoản vay mới có lãi suất 12%/năm. Các doanh nghiệp, người đi vay đang ngóng chờ thông tin cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại bàn về phương hướng giảm thêm lãi suất cho vay.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng nhóm Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, trên thị trường chứng khoán, có những tín hiệu về việc dòng tiền trong nước quay trở lại kênh đầu tư này, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm dần. Kể từ đầu tháng 5/2023 đến nay, giá trị giao dịch trung bình trên HOSE đạt 10.402 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 6% so với tháng 4.
Trước đó, trong tháng 4/2023, giá trị giao dịch trung bình trên HOSE cải thiện khoảng 30% so với tháng 3 (thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu giảm lãi suất điều hành). Bên cạnh đó, dòng tiền khối nội đã hấp thụ tốt lượng bán ròng của khối ngoại tính từ tháng 4/2023 tới nay, khoảng 2.400 tỷ đồng.
“Xu hướng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm và có tác động tích cực tới thu nhập của thị trường (các doanh nghiệp), cũng như giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán. Theo đó, dòng tiền thông minh trong nước sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Hinh dự báo.
Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Bộ phận Phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành là điều kiện cần, chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng, nhưng đang đối mặt với sự suy giảm hoạt động.
Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất. Vì thế, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.
Ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc không nhỏ vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, nên có thể sẽ phải chờ đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác đó. Khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa dự kiến cũng hồi phục và đây là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023, bên cạnh các chính sách khác.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)