Do có nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông, đất đai còn rộng và giá còn khá rẻ so với TP.HCM nên Đồng Nai là nơi được nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong và ngoài nước “đổ” vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS.
Mới đây, tỉnh này đã có kiến nghị gửi Chính phủ về việc hỗ trợ nguồn vốn, sớm thực hiện đầu tư, xây dựng các tuyến đường cao tốc theo qui hoạch trên địa bàn tỉnh như Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Đà Lạt. Đặc biệt, việc đầu tư sân bay Long Thành đã khiến Đồng Nai tăng trưởng phát triển các dự án đất nền; đồng thời đẩy giá đất tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Theo thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam, nếu trong năm 2019, giá đất bình quân tại Đồng Nai dao động trong khoảng 12 -14 triệu đồng/m2 thì ngay đầu năm 2020, giá đất bị đẩy mạnh lên khoảng 22 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau hàng loạt các biện pháp kiểm soát của chính quyền địa phương, cộng với khủng hoảng do dịch bệnh, giá đất hiện tại đã giảm còn khoảng 15 – 18 triệu đồng/m2.
Thực tế, khoảng hai năm trở lại đây, TP HCM có rất ít các dự án mới được phê duyệt. Những dự án từ giai đoạn trước cũng gặp nhiều khó khăn ở thủ tục pháp lí. Trong khi đó, thị trường bất động sản các khu vực lân cận TP HCM lại phát triển mạnh.
Nhiều “ông lớn” trên thị trường bất động sản như Vingroup, FLC, Nam Long, Đất Xanh, Novaland, Hưng Thịnh, Kim Oanh,… cũng đua nhau đổ bộ về địa phương này.
Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt có 312 dự án khu dân cư với tổng diện tích 9.295 ha. Trong đó, có 219 dự án phải thu hồi đất trong năm nay với diện tích khoảng 5.981 ha.
Tập đoàn Amata (Thái Lan) cũng dự tính chi hơn 280 triệu USD để xây dựng thành phố thông minh tại H.Long Thành. Dự án đang trong giai đoạn tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tháng 8-2019, Công ty CP Đầu tư kinh doanh BĐS Hà An (thuộc Tập đoàn Đất Xanh) bỏ ra hơn 3.060 tỷ đồng để sở hữu khu đất 92ha ở xã Long Đức (H.Long Thành) để đầu tư xây dựng khu dân cư Gem Sky World.
Hình thức đầu tư không chỉ riêng BĐS đất nền, căn hộ mà còn mở rộng ra các dạng sản phẩm BĐS khác như BĐS công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng…
Trong giai đoạn 2016-2020, số dự án có vốn đầu tư trong nước mà Đồng Nai thu hút được là 422 dự án mới với tổng vốn đăng ký hơn 121 ngàn tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực bất động sản đã có 158 dự án, chiếm tỷ lệ 39,5% trong tổng số các dự án cấp mới. Có thể thấy, nguồn vốn đầu tư trong nước đã và đang “đổ” vào BĐS khá nhiều.
Việc đầu tư Sân bay Long Thành tại Đồng Nai và chủ trương phát triển TP phía Đông, cộng với hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông kết nối,… đã tạo nên làn sóng sôi động cho thị trường bất động sản các tỉnh Miền Đông Nam Bộ trong thời gian qua.