Việc Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu ở thời điểm hiện nay rất kịp thời, khi mà kinh tế khu vực này đang rất “khát” hạ tầng để phát triển mạnh hơn nữa.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến có chiều dài gần 54 km, trong đó đoạn qua địa phận Đồng Nai dài 34,2 km. Điểm đầu nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với đường vành đai TP Bà Rịa. Dự án xây dựng theo hình thức đối tác công – tư PPP (hợp đồng BOT) với vốn đầu tư dự kiến hơn 19.100 tỷ đồng. Sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phối hợp lập khung chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và trình Thủ tướng phê duyệt triển khai thực hiện.
Tháng 10 vừa qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu. Đến ngày 23/10, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các Bộ, Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến về Báo cáo này. Theo đó, giai đoạn 1 của dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 19 ngàn tỷ đồng với chiều dài 53,7km, trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 34,2km, nối từ đường tránh Quốc lộ 1A qua thành phố Biên Hoà, đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 19,5km sẽ kết thúc tại đường vành đai thuộc thành phố Bà Rịa.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết đã có kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện đầu tư, xây dựng các tuyến đường cao tốc theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh như Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Liên Khương. Tỉnh cam kết thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, trong đó có các dự án xây dựng đường cao tốc; tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công có đủ nguồn vật liệu…. Đồng thời, để hoàn thành mạng lưới cao tốc trên địa bàn, Đồng Nai đã kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để triển khai đầu tư, xây dựng các tuyến đường cao tốc.
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có tổng vốn đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng, được huy động từ 2 hình thức BOT và nguồn vốn từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (bao gồm cả chi phí giải tỏa mặt bằng) cho địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Với chiều dài hơn 200 km, cao tốc được chia làm 3 giai đoạn đầu tư gồm Dầu Giây – Tân Phú; Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Trong đó, tuyến Dầu Giây – Tân Phú được ưu tiên khởi công năm 2019, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2021. Đoạn Tân Phú – Bảo Lộc dài 66 km đi qua Đồng Nai và Lâm Đồng và đoạn 3 từ TP Bảo Lộc – Liên Khương chưa thực hiện.
Thời điểm đầu tháng 11, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định 10 dự án trọng điểm sẽ quyết tâm thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; cầu Phước An; Trung tâm logistics Cái Mép Hạ; đường 991B (thị xã Phú Mỹ); Trung tâm Kiểm tra chuyên ngành khu vực Cái Mép – Thị Vải; dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Đức; chỉnh trang trục đường khu vực Bãi Sau – thành phố Vũng Tàu; vườn thú hoang dã Safari – huyện Xuyên Mộc; Công viên 30/4và Khu đô thị Tây Nam thành phố Bà Rịa.
Như vậy, ngoài việc cho phép đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu thì Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý tiếp tục đầu tư xây dựng cầu Phước An nhằm thông toàn tuyến đường Liên Cảng. Sau khi hoàn thành cầu này, toàn bộ hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ được kết nối qua cầu Phước An cũng như qua hệ thống cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, khi đó, sẽ phá thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 51 đã quá tải như hiện nay.
Thu nhập người dân ngày càng được cải thiện đáng kể, việc sở hữu ôtô cũng trở nên dễ dàng hơn, điều này cũng làm thay đổi nhu cầu nghỉ dưỡng của phần lớn tầng lớp trung lưu tại các đô thị lớn ở khu vực phía Nam. Người dân có xu hướng tận hưởng những kỳ nghỉ riêng tư cùng gia đình ở những khu vực chỉ cần thời gian di chuyển ngắn. Chính vì vậy, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là những dự án đường cao tốc cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại những nơi mà nó kết nối phát triển.
Dự án đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu là đầu mối của nhiều tuyến giao thông quan trọng của cả nước như đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, tuyến Quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành. Khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đưa hàng về Cụm Cái Mép – Thị Vải, thúc đẩy kinh tế 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển mạnh.
Không những thế, Bà Rịa Vũng Tàu là một tỉnh du lịch, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ góp phần làm tăng thêm giá trị bất động sản du lịch tại khu vực này, thu hút khách du lịch và giúp cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại đây cũng như các khu nhà ở, khu dân cư ở các khu vực lân cận phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Việc Chính phủ quyết định cho đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu nhằm hoàn thiện thêm 1 điểm trên bản đồ quy hoạch hệ thống cao tốc tại phía Nam, đó cũng là cơ hội phát triển cho những địa phương có cao tốc đi qua.