Bản thân doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư, hướng tới phân khúc bất động sản có tiềm năng lớn như bất động sản công nghiệp hay nhà ở giá bình dân. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép nhằm đón đầu cho chu kỳ phát triển bất động sản tiếp theo trong vòng 1 – 2 năm tới.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, pháp lý là một lực đẩy quan trọng cho thị trường bất động sản 2021.
“Năm 2021, khi bước vào nhiệm kỳ mới, nhiều dự án sửa đổi luật dự kiến sẽ được hoàn thiện, các vướng mắc về chính sách pháp luật kìm hãm sự phát triển của một vài sản phẩm, một vài phân khúc trên thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ theo hướng cụ thể, chi tiết hơn.
Từ đó, giúp khơi thông dòng chảy thị trường, các hoạt động kinh doanh, phát triển dự án cũng vì thế mà khởi sắc hơn. Hơn nữa, Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước”, vị chuyên gia khẳng định.
Trong quý III/2020, mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động kép của Covid-19 đợt 2 và tháng ngâu nhưng thị trường vẫn có phản ứng tích cực thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh 400% so với quý II/2020. Đây là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của lĩnh vực bất động sản nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam nói chung.
Mặt khác, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao là những lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.
Nhiều chỉ số cho thấy, thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn phục hồi. Cùng với những bệ đỡ đắc lực, các chuyên gia dự báo thị trường năm 2021 sẽ đón nhận sự chuyển mình mạnh mẽ.
Những khó khăn của thị trường đã phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm 26%, lợi nhuận giảm 13% so với cùng kỳ.
Trong đó, 20 doanh nghiệp báo lỗ, 35 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải đối diện khó khăn trong việc huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020.
Cụ thể, thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành khoảng 45.600 tỷ đồng trái phiếu, tăng 292% so với cùng kỳ, chiếm 29,1% tổng khối lượng trái phiếu phát hành trong nửa đầu năm.
Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị định 81 có hiệu lực, quy định chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, bao gồm: Dư nợ trái phiếu sắp phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu; khoảng cách giữa 2 đợt phát hành khác nhau ít nhất 6 tháng; mỗi đợt phát hành phải được thực hiện trong vòng 3 tháng…
Ngoài ra, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, tâm lý thận trọng của người mua tăng lên, cộng với việc thiếu hụt nguồn cung khiến thị trường chững lại, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường bất động sản đã rục rịch trở lại với các hoạt động mở bán.
Bất động sản là tài sản nền tảng quan trọng của quốc gia và là lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp “ham” đầu tư. Và ông Doanh đã phân tích, chắc chắn thị trường sẽ có cơ hội tăng giá và còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2021.
Tuy nhiên, khi tham gia vào lĩnh vực bất động sản, nhất là trong bối cảnh khó đoán định của kinh tế – xã hội giai đoạn tới, khó có thể “đón đầu làn sóng đầu tư”.
“Theo tôi, cách tốt nhất là chủ động và tái cấu trúc để vượt qua khó khăn của đại dịch, và muốn vậy, phải có tầm nhìn dài hạn, đầu tư dài hạn. Khách hàng hiện nay đã trở nên khó tính hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm, họ đâu chỉ cần một nơi để ở? Đó phải là các sản phẩm xanh – thông minh, mang tính trải nghiệm và khám phá, thư giãn nhiều hơn là việc chỉ để ở”, ông Doanh cho biết.
Cần nghiên cứu cơ chế liên kết để cùng phát triển, thay vì cạnh tranh không lành mạnh hoặc làm ăn chộp giật, làm mất hình ảnh, thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nên cân nhắc lựa chọn những vùng đất mới, còn nhiều tiềm năng và dư địa để đầu tư.