Những yếu tố khiến đồng USD đảo ngược xu thế, đồng đô la lại bật tăng mạnh trong tháng qua, khiến nhà đầu tư hoang mang.
Lạm phát Mỹ đang trên đà giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ quyết định dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Tất cả điều này ủng hộ quan điểm cho rằng, đồng đô la sẽ tiếp tục giảm giá. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, một số yếu tố đang cản trở kỳ vọng này.
Thứ nhất, mối lo ngại về cuộc đàm phán tăng trần nợ công của Mỹ, bất ổn của các ngân hàng ở Mỹ và triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đang làm củng cố vai trò trú ẩn tài sản an toàn của đồng đô la. Thứ hai, có một số dấu hiệu cho thấy Fed có thể chưa dừng chu kỳ tăng lãi suất của mình.
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động đồng tiền giá của đồng tiền Mỹ với sáu ngoại tệ quan trọng khác (euro, yen Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ) tăng khoảng 2% kể từ giữa tháng 4, lên khoảng 103 điểm, dù vẫn giảm khoảng 10% so với mức cao nhất trong 20 năm là 114,78 điểm được thiết lập hồi tháng 9/2022. Các chuyên gia lĩnh vực tiền tệ giải thích cuộc đàm phán căng thẳng về trần nợ công của Mỹ đang thúc đẩy đồng đô la tăng giá.
Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang tiến gần hơn đến thỏa thuận nâng giới hạn nợ công vượt qua mức 31.400 tỷ USD. Tuy nhiên, rủi ro vỡ nợ thảm khốc của Mỹ vẫn chưa biến mất trong bối cảnh nhiều ngân hàng trong nước dường như vẫn chưa thoát ra được cuộc khủng hoảng niềm tin.
Khi thị trường đối mặt với những mối lo như vậy, các nhà đầu tư thường đầu tư các loại tài sản ít rủi ro hơn như trái phiếu, vàng và đô la Mỹ.
Esther Reichelt, nhà chiến lược tiền tệ tại ngân hàng Commerzbank (Đức) cho biết, sức mạnh của đồng đô la gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn tài sản an toàn gia tăng trước những ẩn số khó lường. Chẳng hạn, độ bất ổn của các ngân hàng khu vực ở Mỹ nghiêm trọng đến mức nào? Tình trạng leo thang trong đàm phán tăng trần nợ của Mỹ sẽ gây ra hậu quả ra sao?
Bên cạnh đó, có một số dấu hiệu đáng lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ góp phần thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn. Dữ liệu từ Trung Quốc trong tuần này cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hoạt động kém hiệu quả trong 4.
Tuy nhiên, Alvin Tan, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á của RBC Capital Markets nhận định rằng, đồng đô la đang được hưởng nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn. Nếu nhà đầu tư lo lắng, thị trường cổ phiếu được xem là tài sản rủi ro cao sẽ giảm.
Trên thực tế, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ không thay đổi kể từ giữa tháng 4 và tăng hơn 8% trong năm 2023.
Ông Tan cho rằng, những lo ngại về việc Fed chưa kiểm soát được lạm phát là một phần của câu chuyện đô la tăng giá. Một cuộc khảo sát của Đại học Michigan (Mỹ) cho biết, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ trong 5 năm tới lên mức cao nhất là 3,2% trong tháng 5. Thông tin này đã đẩy tăng lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và giá đồng đô la.
Vào ngày 18/5, hai quan chức của Fed cho biết, tình hình lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt đủ nhanh để cho phép Fed dừng chiến dịch tăng lãi suất. Những nhà đầu tư hiện đang có kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm mạnh lãi suất vào cuối năm nay khi suy thoái kinh tế diễn ra.
Tuy nhiên, ông Tan cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng có khả năng lãi suất của Mỹ tăng cao hơn. Chúng tôi vẫn không tin vào lập luận đồng đô la giảm giá kể từ đây”.
Đối với các chuyên gia phân tích khác, đồng đô la dường như đang chịu chi phối của yếu tố kỹ thuật. Các nhà đầu tư đã tăng cường đặt cược lớn vào xu hướng giảm giá của đồng đô la. Vị thế bán khống ròng đồng đô la của các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ khác lên tới 14,56 tỷ USD vào tuần trước, cao nhất kể từ giữa năm 2021, theo dữ liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ.
Lượng bán khống lớn như vậy có thể kích hoạt đô la tăng giá nếu thị trường diễn biến trái với kỳ vọng. Nếu đồng đô la tăng nhẹ, một số nhà đầu tư có thể buộc phải đóng các vị thế bán khống bằng cách mua đồng đô la, khiến đồng tiền này tăng giá mạnh hơn nữa.
Tổng Hợp
(ĐTCK)