việc phát hành trái phiếu giúp ngân hàng chủ động về nguồn vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn. Loại trái phiếu đem lại tỷ lệ an toàn vốn cao nhất cho ngân hàng là trái phiếu có kỳ hạn trên 5 năm và trái phiếu chuyển đổi. Các ngân hàng trong thời gian này liên tục phát hành trái phiếu nhằm mục đích tăng vốn để phát triển ngân hàng.
Báo cáo phân tích của VietinBank, đưa ra hồi tháng 2/2021 cũng cho biết, nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại trong năm nay sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là trái phiếu nhằm giúp các ngân hàng bổ sung cho vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và cải thiện hệ số CAR.
Từ đầu năm tới nay, VietinBank đã hoàn thành 2 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ở đợt 1, Ngân hàng phát hành 1.500 trái phiếu kỳ hạn 8 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu cho một tổ chức trong nước, lãi suất gần 6,5%/năm. Ở đợt 2, 85 trái phiếu kỳ hạn 15 năm, mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm được phát hành cho một tổ chức trong nước. Lãi suất của trái phiếu là 6,7%/năm, thanh toán lãi hàng năm. Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản của VietinBank và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2. Theo Vietinbank, “việc phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động cho Ngân hàng, tăng vốn cấp 2, thực hiện cho vay nền kinh tế”.
SHB cũng vừa phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm trong ngày 18/5/2021, lãi suất cố định 3,8%/năm cho 2 công ty chứng khoán trong nước. Tiền lãi được trả sau, định kỳ 1 năm/lần. Đây là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, không phải nợ thứ cấp của SHB.
Ngày 10/5/2021, TPBank cũng đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu trực tiếp cho một công ty chứng khoán trong nước. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, trả lãi hàng năm theo lãi suất cố định 4,1%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không phải nợ thứ cấp, không có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền. Ngay sau đó, ngày 12/5/2021, ngân hàng này tiếp tục phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho một công ty chứng khoán, kỳ hạn cũng là 3 năm với lãi suất 3,8%/năm, thấp hơn so với lô trái phiếu trước đó cũng như so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn của TPBank.
ACB vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành 3.000 trái phiếu, kỳ hạn ba năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng với tổng mệnh giá phát hành 3.000 tỷ đồng. Lần phát hành này được thực hiện tối đa trong 6 đợt. Trái phiếu trên là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp của ACB và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất trái phiếu sẽ cố định trong suốt thời hạn, mức lãi suất cụ thể sẽ được quyết định tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu nhà đầu tư và phương án phát hành.
Như vậy, trong vòng 1 tháng qua, ACB đã lên kế hoạch huy động tổng cộng 12.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Theo phương án được thông qua vào tháng 4, quy mô hai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 và 2 lần lượt là 5.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng. Trong đợt phát hành thứ 2 lần 2 mới công bố, ACB đã huy động được 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với lãi suất 4%/năm từ hai công ty chứng khoán. Mức lãi suất này thấp hơn nhiều so với lãi huy động kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng. Việc tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu diễn ra trong bối cảnh ACB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.400 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ 25%. Sau khi tăng vốn, vốn điều lệ ACB tăng từ mức gần 21.616 tỷ đồng lên gần 27.020 tỷ đồng.
Ngày 18/5 vừa qua, Hội đồng quản trị HDBank đã chấp thuận chủ trương phát hành trái phiếu lần 1/2021 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 1.500 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành lần 2/2021. Trước đó, HDBank thông báo sẽ mua lại 4.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành. Thời gian dự kiến mua lại từ ngày 25/5 – 10/6/2021.
VIB cũng huy động được 4.000 tỷ đồng vốn qua kênh trái phiếu trong chưa đầy một tháng qua, lãi suất chỉ từ 3,7 – 4%/năm, thấp hơn nhiều lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng. Đây là lô trái phiếu thứ ba VIB phát hành thành công kể từ đầu năm 2021 tới nay. Được biết, một công ty chứng khoán trong nước đã mua trọn số trái phiếu này. Nguồn vốn huy động từ trái phiếu sẽ được dùng để tăng quy mô vốn hoạt động nhằm tăng cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Nguồn vốn của VIB sẽ tiếp tục được bổ sung khi mới đây Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho VIB tăng vốn điều lệ tối đa thêm gần 4.438 tỷ đồng thông qua việc chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40% cho cổ đông.
Ngoài ra, theo kế hoạch được đại hội cổ đông thường niên năm 2021 thông qua, Ngân hàng dự kiến chào bán tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu, tiếp tục nâng vốn lên khoảng 16.000 tỷ đồng. Với số vốn tăng thêm, VIB có kế hoạch sử dụng 4.403 tỷ đồng để tăng cường cấp tín dụng; số còn lại để đầu tư tài sản thanh khoản, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm, năng lực quản trị rủi ro, đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh.
Lãi suất rẻ, các ngân hàng đang tăng cường phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn vốn.
Kiên Cương