Hiện nay, dù các hoạt động đã trở lại bình thường, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ, tốc độ thu nợ đang chậm lại.
Vừa qua, trong suốt thời gian giãn cách xã hội, các cơ quan chức năng đều phải tập trung cho công tác phòng chống dịch, nên hỗ trợ cho các ngân hàng đều bị hạn chế. Hiện nay, dù các hoạt động đã trở lại bình thường, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ, tốc độ thu nợ đang chậm lại. Theo ước tính của các chuyên gia, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên 3% vào cuối năm nay, ước tính có thể tăng lên 4,5% trong năm tới. Cuộc chiến chống COVID-19 xác định sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường, cho nên, các doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ phá sản, đóng cửa.
Theo cáo tài chính quý 3/2021 của 27 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, số dư nợ xấu đã tăng lên 113.006 tỷ đồng. Vào thời điểm 30/9, nợ xấu đã cao hơn 26% so với đầu năm, chất lượng nợ vay của tất cả các ngân hàng đều đi lùi với ba ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước bao gồm Vietcombank, ViettinBank và BIDV. Tổng nợ xấu nội bảng vào cuối năm nay tăng hơn 40% lên hơn 50.400 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Đối với vấn đề nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận vốn vay ngân hàng do không có tài sản đảm bảo, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước chưa nới lỏng điều kiện về vay vốn nhưng Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã trao đổi với các tổ chức tín dụng để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bằng cách cho họ thế chấp bằng dòng tiền bán hàng. Phía ngân hàng được quản lý nguồn thu của doanh nghiệp để từ đó làm cơ sở thu hồi nợ và tạo điều kiện thẩm định, giải ngân vốn tín dụng cho các phương án tái sản xuất, kinh doanh.
Theo các ngân hàng, kể từ tháng 10 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngành lĩnh vực chính như công nghiệp, xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao… được đẩy lên rất nhanh. Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ ngân hàng thông qua việc nới room tín dụng để các ngân hàng có dư địa hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này được kỳ vọng nguồn tín dụng ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh cung ứng ra nền kinh tế, qua đó giúp doanh nghiệp sớm phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết hoạt động của doanh nghiệp hiện đã phục hồi trở lại, tình hình xuất khẩu dệt may cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc ổn định dòng tiền. Ngoài việc đối mặt với chi phí nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp trong ngành còn phải chi trả chi phí y tế khá lớn trong việc thực hiện xét nghiệm định kỳ. Với gánh nặng chi phí như vậy, lợi nhuận của doanh nghiệp khó có thể ghi nhận con số tăng trưởng dương. Trong khi đó, nguồn tài chính dự trữ hầu như đã sử dụng trong khoảng thời gian dài giãn cách xã hội nên doanh nghiệp rất cần tiếp cận nguồn vốn mới để bổ sung vốn lưu động cũng như thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh cuối năm.
“Hầu hết các doanh nghiệp dệt may có quy mô vừa và nhỏ, không có tài sản đảm bảo; trong khi điều kiện cho vay của các ngân hàng không hạ. Do vậy, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, chia sẻ của ngành ngân hàng để có thể phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới,” lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ. Tìm hiểu từ các doanh nghiệp cho thấy, vẫn có không ít doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng. Dù các doanh nghiệp đang phải tìm cách chuyển đổi mô hình hoạt động để có thể phục hồi trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ đang rất khó khăn về tài chính, nguồn vốn tích lũy hầu như đã cạn kiệt. Các doanh nghiệp đang rất cần nguồn tín dụng mới với lãi suất ưu đãi từ phía ngân hàng để có thể phục hồi sản xuất kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới.
Hiện nay, tiến trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đang được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thúc đẩy quyết liệt, trong đó, xử lý nợ xấu là một trong những ưu tiên hàng đầu. Nghị quyết số 42/2017 của Quốc Hội sau hơn 4 năm đi vào thực tiễn đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. Cụ thể, các tổ chức tín dụng được phép quyết định biện pháp xử lý nợ xấu, bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay. Đây là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, là cơ sở để các tổ chức đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, tiết giảm chi phí,… tuy nhiên việc xử lý nợ vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Tổng Hợp