Doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua một năm đầy khó khăn, thách thức khi tình hình thế giới bất ổn, các chuỗi giá trị tiếp tục đứt gãy, lạm phát thế giới tăng cao khiến FED liên tục tăng lãi suất với tần suất lớn, biên độ rộng. Bình quân một tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM với hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh đến tháng 2/2023 cho thấy, 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn và 2 khó khăn lớn nhất chính là lãi suất và khả năng tiếp cận vốn. Trong đó, khó khăn lãi suất cao chiếm tới 43%; khó khăn tiếp cận nguồn vốn chiếm 40%; thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian chiếm tới 38,2%.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy những con số đáng lo ngại về tình hình doanh nghiệp thành lập mới và tạm ngừng hoạt động, giải thể, cho thấy những diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính đang tác động trực tiếp tới đời sống doanh nghiệp.
Cụ thể, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 37,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5%; bình quân một tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp thành lập chỉ tương đương 75% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường – tức là cứ 7,5 doanh nghiệp thành lập mới, có tới 10 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 để thảo luận về những vấn đề lớn của nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2023. Đánh giá về những khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức ép lạm phát còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động lớn đến trong nước; việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm; hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, cần được tháo gỡ nhanh.
Giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, đặt lên ưu tiên hàng đầu, Thủ tướng yêu cầu NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Nghiên cứu, tổ chức thực hiện để giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.
Theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, với mức cung tiền quá thấp của năm 2022 tất yếu dẫn tới tình trạng lãi suất cao và thiếu thanh khoản trong nền kinh tế.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 là hơn 8% cộng với lạm phát khoảng 3%, GDP theo giá hiện hành đã tăng khoảng 11%. Trong khi đó, cung tiền năm 2022 chỉ đạt 5,5% và vòng quay tiền là 0,64 vòng/năm thì tất yếu là không có tiền lưu thông trong nền kinh tế. Và như vậy, NHNN có mở room tín dụng thì cũng giống như “mở vòi nước nhưng trong bể chứa lại không có nước”.
Ông Nghĩa cho rằng, năm 2022, chính sách tài khoá của Chính phủ tập trung chủ yếu vào chống lạm phát chi phí đẩy bằng các giải pháp như giảm, miễn thuế xăng dầu, điều này đã có tác động rất tích cực lên chỉ số lạm phát. Biện pháp này nên được tiếp tục duy trì trong năm 2023.
Còn về chính sách tiền tệ, năm 2022 NHNN đã tăng lãi suất, mua vào ngoại tệ để hút tiền đồng về nhằm kìm giữ tỷ giá. Nhưng trong năm 2023 đang có rất nhiều dư địa để NHNN tăng cung tiền, giảm lãi suất khi USD đã giảm giá mạnh so với mức đỉnh thiết lập năm 2022.
“Bằng cách nào đó, NHNN sẽ có công cụ để tăng cung tiền. Khi cung tiền tăng, lãi suất trên thị trường sẽ hạ nhiệt và thanh khoản cho nền kinh tế cũng sẽ bớt căng thẳng”, ông Nghĩa nói.
Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết thời gian qua lãi suất tăng cao, có những khu vực/trường hợp lãi suất tăng đến 14-15%/năm và còn có thể tăng cao hơn nữa. Với thực tế này, không doanh nghiệp nào có thể sống sót hoặc có động lực sản xuất vì không có lợi nhuận.
Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phản ánh, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng ngay cả khi đã có phương án kinh doanh, đơn đặt hàng. Thậm chí, ngân hàng sau khi thu nợ cũ thì không cho vay mới hoặc cho vay nhỏ giọt với mức lãi suất cao. Điều này đang đẩy doanh nghiệp vào tình trạng đói vốn, buộc phải thu hẹp hoạt động. Có nhiều doanh nghiệp buộc phải tiếp cận vốn ngoài ngân hàng để duy trì hoạt động, dẫn tới rủi ro rất cao và hệ luỵ là khó lường.
Theo đó, nếu không giải quyết được vấn đề vốn thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản với 2 lý do: Một là không có tiền trả lương cho người lao động, doanh nghiệp sẽ mất nguồn nhân lực; thứ 2 là không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau thời gian dài chống chịu dịch bệnh COVID-19.
Đến thời điểm hiện tại một số chuyên gia đặt vấn đề, có phải đây là thời điểm NHNN cần đưa ra một quan điểm khác về “chuẩn tiếp cận tín dụng”. Nếu ngành ngân hàng vẫn giữ nguyên chuẩn cho vay như trước thời kỳ trước COVID-19 thì doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ rất khó tiếp cận được vốn ngân hàng. Nếu ngành ngân hàng đã coi nợ xấu là vấn đề đồng hành cùng ngành, thì hơn bao giờ hết, lúc này cần có sự linh hoạt, cân bằng giữa 2 mục tiêu là vừa an toàn nhưng vẫn phải cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế hoạt động và phát triển.
Riêng với thị trường bất động sản, trong bối cảnh áp lực có khoảng 130.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong năm 2023 nhưng gần như không có một đợt phát hành mới nào đáng kể từ cuối năm 2022 đến nay thì nguy cơ vỡ nợ của nhiều doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, điều này mang tới lo ngại về hiệu ứng Domino, vỡ nợ sẽ lan từ một vài doanh nghiệp ra cả thị trường và lúc đó dù là doanh nghiệp bất động sản tốt hay xấu đều sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi niềm tin của nhà đầu tư đổ vỡ.
Tổng Hợp
(Nhà Đầu Tư)