Nhiều doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM có nguy cơ “ngộp thở” nếu không xoảy sở được dòng vốn đầu tư. Doanh nghiệp như ngồi trên “đống lửa”, cần “siết” dòng vốn có lộ trình.
Một doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM nhận định, rủi ro khó lường nhất trong phát triển bất động sản là rủi ro về chính sách. 2 năm chống chịu dịch COVID-19, các doanh nghiệp vẫn cố gắng để bật dậy. Nhưng với việc “siết” chặt các dòng vốn vào bất động sản đã vô tình chặn luôn sự phát triển trên đà phục hồi của cả thị trường bất động sản. Chúng ta nên thực hiện có lộ trình, nắn lại dòng vốn thay vì “siết” chặt để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường, phục vụ nhu cầu chính đáng về nhà ở, về đầu tư và phát triển kinh tế của người dân và doanh nghiệp. Thị trường bất động sản cần nhất là sự phát triển ổn định và bền vững.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã có kiến nghị xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cho phép các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đa ngành được hạch toán dùng phần lợi nhuận kinh doanh bất động sản để bù đắp các khoản kinh doanh bị lỗ của các lĩnh vực khác.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu dẫn chứng, tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 43 của Chính phủ quy định chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% mức đầu tư dự án có sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% mức đầu tư dự án có sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Điều này có nghĩa là, chủ đầu tư được huy động vốn 80-85% tổng mức đầu tư của dự án có sử dụng đất.
Ngoài nguồn vốn chủ sở hữu ban đầu, thì trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án (chưa đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai) thì chủ đầu tư rất cần các nguồn vốn bổ sung, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Nguồn vốn tín dụng có vị trí rất quan trọng để chủ đầu tư thực hiện dự án. Nhưng, do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản và nhất là hiện nay các ngân hàng thương mại đang có xu hướng “siết” tín dụng đối với bất động sản, nên các doanh nghiệp bất động sản đặt kỳ vọng vào việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bù đắp thiếu hụt nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo ông Châu, thị trường vốn ở nước ta vẫn chưa phát triển đầy đủ, các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ REIT còn nhỏ, nên các doanh nghiệp bất động sản phải dựa vào việc phát hành trái phiếu. Nếu Nhà nước “siết” cả tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ “đứt gẫy” dòng vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ “ngộp thở”, nhất là trong lúc thanh khoản bị sụt giảm.
“Không vì một số ít doanh nghiệp có sai phạm, vi phạm pháp luật mà siết quá chặt, siết quá đà, siết cả doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật đang chiếm đa số trong nền kinh tế. Đồng thời, khiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện có lộ trình, xem xét các chủ đầu tư uy tín, dự án khả thi vẫn được vay vốn”, Chủ tịch HoREA bày tỏ quan điểm.
Tổng Hợp