Cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đang gửi gắm rất nhiều kỳ vọng về các giải pháp cụ thể, có thể triển khai nhanh sau hội nghị gặp gỡ với Thủ tướng sáng mai, 9/5.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương, một số doanh nhân bên hành lang hội nghị đối thoại với 1.000 doanh nghiệp năm 2019. Ảnh: Quang Hiếu
‘Hội nghị Diên Hồng’ về kinh tế
Đại dịch COVID-19 đã có những tác động hết sức nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Theo khảo sát của mới nhất của VCCI, gần 85% DN tham gia khảo sát cho biết họ đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm; gần 60% DN bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh; 45% DN bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phải thu hẹp lực lượng lao động. Có tới 92% số doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2020 của họ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó có 20% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu trên 50%.
Tình hình ảnh hưởng đều nghiêm trọng đối với tất cả các nhóm doanh nghiệp, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Để động viên tinh thần và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN, ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại với cộng đồng DN. Chuẩn bị cho hội nghị này, các bộ, ngành đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp, các Hiệp hội DN, ngành, nghề cũng đã tổng hợp hàng trăm ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng.
Họp báo trước hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng đánh giá, lần đối thoại này được xem như một ‘Hội nghị Diên Hồng’ về kinh tế, là hội nghị của lòng yêu nước, sự đoàn kết của cộng đồng DN cùng Chính phủ đưa đất nước đi lên sau đại dịch
“Đối thoại lần này không phân tích mổ xẻ khó khăn, vướng mắc của DN mà tập trung vào ý kiến, hiến kế, tham mưu của cộng đồng DN cho Chính phủ, cho các bộ, ngành để xây dựng cơ chế, chính sách mới”, ông Thắng cho biết.
Một trong những nội dung chính của hội nghị là đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và địa phương ban hành để từ đó có cơ sở xây dựng thêm các chính sách mới phù hợp thực tiễn hơn.
Một nội dung quan trọng khác, theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) là các nhóm vấn đề như nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; khuyến khích DN tái cấu trúc, chủ động sáng tạo, phát hiện cơ hội mới, để thích ứng với hoàn cảnh mới. Nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành địa phương và đặc biệt là bộ ngành, DN nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp cần thiết để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Một thông tin đáng chú ý khác được nêu ra tại họp báo là trong tháng 4/2020, số lượng DN quay trở lại hoạt động tăng gần 40% cho thấy niềm tin và dòng tiền của DN đã xuất hiện. Do vậy, để cộng đồng DN có thể hồi phục, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ để chặn đà DN giải thể và vực dậy DN đang “ngủ đông”.
Kỳ vọng vào quyết sách sau hội nghị
Trong hàng trăm ý kiến mong muốn được tháo gỡ gửi về Văn phòng Chính phủ nổi lên 3 vấn đề chính đó là tài khóa, tín dụng, và cơ chế thực thi. Có thể nhận thấy đây là những vấn đề không mới. Nhưng nếu ví các gói hỗ trợ mà Chính phủ đã ban hành như những viên thuốc thì có thể thuốc chưa đủ liều, hoặc người bệnh chưa thể hấp thụ, nên các nhóm vấn đề trên vẫn là nỗi đau đáu của cộng đồng DN.
Theo một số báo cáo của các Hiệp hội DN, ngành, nghề, về chính sách tài khóa, Nghị định 41/2020/NĐ-CP chỉ quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất với thời gian tối đa là 5 tháng là chưa đủ, đề nghị kéo dài thời gian gia hạn lên 12 tháng.
Thực tế khảo sát doanh nghiệp như đã nói ở trên cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài hơn 1 năm thì 80% DN phải ngừng sản xuất, kinh doanh, khi đó việc giãn các thời hạn nộp thuế chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực cho DN vì ngừng hoạt động sẽ không phát sinh doanh thu, thu nhập DN, thu nhập cá nhân.
Ngoài chính sách giãn thời hạn nộp, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm 50% tiền thuê đất, 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT), 50% thuế thu nhập DN, tăng mức giảm trừ gia cảnh thế thu nhập cá nhân. Thời gian áp dụng cho năm 2020. Nhiều DN cho rằng đây là giải pháp hiệu quả, thiết thực và cấp bách nhất đối với DN hiện nay.
Về chính sách tín dụng, do đặc điểm của các ngân hàng thương mại cũng là DN, do đó, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN chủ yếu dựa trên cơ sở cắt giảm lợi nhuận và chi phí, phụ thuộc vào quy mô và hiệu quả hoạt động của từng ngân hàng thương mại.
Thực tế thực hiện các biện pháp này trong thời gian vừa qua cho thấy nhiều DN chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định, một số DN phản ánh các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn; Do vậy, để hỗ trợ các ngân hàng thương mại thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã đề ra, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng DN được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc “xin- cho” bằng quan hệ, lợi dụng chính sách.
Cùng với đó, DN cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp mạnh hơn để khuyến khích các ngân hàng thương mại thực hiện giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau thông qua các biện pháp tái cấp vốn, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng…
Về cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy thực thi chính sách, thực tế cho thấy COVID-19 là yếu tố thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong DN nhanh hơn. Đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tinh giản đến mức tối thiểu các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, xuất nhập khẩu… để DN có thể tiếp nhận nguồn nguyên vật liệu nhanh nhất và xuất khẩu thuận lợi nhất, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với cán bộ các cơ quan nhà nước, hạn chế tiêu cực.
Để nhanh chóng đưa được các chính sách của Thủ tướng Chính phủ đến từng doanh nghiệp, người dân, xin đề xuất Chính phủ thành lập 01 “ban chỉ đạo” có đủ thẩm quyền quyết định và giải quyết vướng mắc cho DN kèm theo “đường dây nóng” để hỗ trợ, giải đáp các ý kiến hỏi đáp từ cộng đồng doanh nghiêp, người dân.
Ngoài việc hỗ trợ DN trong các ngành, lĩnh vực, khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh như ngành hàng không, dệt may, da giày, logistic…, các chính sách hỗ trợ cũng cần hướng đến khu vực phi chính thức, khu vực DN siêu nhỏ, kinh doanh hộ gia đình, và khu vực nông nghiệp nông thôn. Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy, đây là khu vực dễ bị tổn thương nhất nhưng lại có vai trò “cứu cánh” cho nền kinh tế, là bước đệm cần thiết để nền kinh tế vượt qua khó khăn.