Doanh nghiệp lãi lớn bỗng giảm lãi hoặc chuyển thành lỗ là câu chuyện khá phổ biến trên thị trường chứng khoán. Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến doanh nghiệp giảm lãi hoặc chuyển lãi thành lỗ sau kiểm toán có rất nhiều, nhưng vấn đề nghiêm trọng đó là thiệt hại của nhà đầu tư cổ phiếu.
Tình trạng “lãi giả, lỗ thật” đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường chứng khoán. Có thể kể đến một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn có dấu hiệu chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán bán niên năm 2022, như: Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: SHS) chuyển từ lãi 32,21 tỷ đồng sang lỗ 68,23 tỷ đồng, Công ty cổ phần Louis Capital (mã chứng khoán: TGG) từ lãi 5,58 tỷ đồng thành lỗ 30,23 tỷ đồng, tức giảm tới 35,81 tỷ đồng…
Một số doanh nghiệp tăng lỗ sau kiểm toán như: Công ty cổ phần VKC Holdings (mã chứng khoán: VKC) tăng lỗ thêm 166,49 tỷ đồng lên 191,14 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán: NDN) tăng lỗ thêm 4,4 tỷ đồng lên 95,22 tỷ đồng…
Một số doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận giảm mạnh sau kiểm toán. Trường hợp đầu tiên phải kể đến là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) khi doanh nghiệp này có lợi nhuận giảm 2.256,43 tỷ đồng, về 200,28 tỷ đồng sau kiểm toán; Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã chứng khoán: TTF) giảm 3,26 tỷ đồng về 4,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán: HQC) giảm 0,26 tỷ đồng về 14,91 tỷ đồng.
Thực tế, với doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán thì việc công bố lợi nhuận tăng trưởng cao sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu. Nhiều dự báo phân tích của giới chuyên gia cũng dựa vào lợi nhuận qua báo cáo tự lập của các doanh nghiệp để dự đoán giá cổ phiếu. Đây được coi như thông tin rất hữu ích, kịp thời vì báo cáo tài chính đã qua kiểm toán dù chính xác nhưng rất lâu sau mới được công bố.
Mặc dù vậy, nếu thông tin khi công bố báo cáo kiểm toán với lợi nhuận giảm mạnh hoặc chuyển từ lãi lớn sang lỗ sẽ là thông tin tiêu cực với nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt dạng thông tin này khiến họ không kịp xử lý, dẫn tới thua lỗ.
Trong mấy năm đại dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu giảm trong khi chi phí tăng. Hiện nay, các doanh nghiệp đang trên đà hồi phục rất mạnh, nhưng có thể có nhiều những khoản chi từ các năm trước sang chưa phân bổ hết, hoặc chưa tính toán hết. Vì thế khi kiểm toán tính lại sẽ ra những khoản mà doanh nghiệp đã chi, nhưng chưa tính toán hết vào giá thành trong sản xuất kinh doanh. Đó là lỗi của người hoạch toán và có thể hiểu, thông cảm với doanh nghiệp ở một mức độ nhất định.
Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đến từ hai nguồn là doanh thu cốt lõi và đầu tư tài chính. Nếu mảng kinh doanh cốt lõi xấu, doanh nghiệp sẽ tìm cách điều chỉnh lại nguồn doanh thu và lợi nhuận từ mảng đầu tư tài chính tăng lên. Mục đích của việc này để nhà đầu tư nghĩ rằng doanh nghiệp vẫn đang tăng trưởng tích cực. Từ đó, nhà đầu tư vào guồng mua cổ phiếu và đẩy giá lên.
Vào những giai đoạn giá cổ phiếu đang xuống, nếu kết quả kinh doanh của công ty công bố xấu nữa sẽ làm cho giá cổ phiếu tiếp tục giảm. Nhiều ông chủ sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề về tài chính vì có những khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp tìm cách để báo cáo lợi nhuận tăng lên, giúp cổ phiếu không xuống sâu, thậm chí còn có thể tăng giá.
Ngoài ra, việc doanh nghiệp “làm đẹp” báo cáo kết quả kinh doanh còn có mục đích phát hành cổ phiếu. Khi doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh tích cực sẽ giúp việc phát hành thành công cổ phiếu với mức giá cao. Hệ lụy lớn nhất của việc này là nhà đầu tư bị thiệt hại bởi đa phần nhà đầu tư mua cổ phiếu theo tin hoạt động của doanh nghiệp.
Khi nhà đầu tư bị thiệt hại thì doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong tương lai do những lần phát hành sau nhà đầu tư sẽ mất niềm tin, không còn xu hướng mua cổ phiếu của các công ty này nữa.
Dù vậy, doanh nghiệp cần chấm dứt việc này để có báo cáo kịp thời, chính xác, đảm bảo niềm tin thị trường, nhà đầu tư đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có thể doanh nghiệp cố tình nâng giá trị lên và việc này về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Bởi, nếu báo cáo quá sai lệch thì nhà đầu tư sẽ không tin và đây là điều nguy hiểm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, thực tế, các doanh nghiệp rất lo lắng chuyện lãi, lỗ bởi việc này quyết định giá cổ phiếu đang niêm yết trên sàn. Do đó, doanh nghiệp nào cũng mong muốn báo lãi, từ đó các cổ đông cũng như là những người mua bán cổ phiếu và trái phiếu yên tâm hơn. Để hạn chế những hệ lụy từ báo cáo tự lập của doanh nghiệp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát và có báo cáo kiểm toán sớm hơn. Tức là khoảng thời gian ra báo cáo tự lập của doanh nghiệp và báo cáo kiểm toán kiểm toán gần nhau hơn.
Tổng Hợp