Theo giới chuyên gia, tác động về kinh tế do Covid-19 mang lại sẽ nặng hơn trong quý II. 4,6 đến 10,3 triệu lao động có thể phải giảm giảm lương hoặc mất việc trong kịch bản ILO vừa đưa ra.
Tính trước hai kịch bản
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong quý I/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình lao động, cơ quan thống kế cho biết, việc làm quý I/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi từ 15 cũng ở mức cao nhất 5 năm. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trong quý I là 2,22%, tăng 0,07% so với quý trước và tăng 0,05% so với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo vừa được công bố, Tổ chức Lao động thế giới (ILO) nhận định số liệu thống kê quốc gia trong quý I cho thấy khủng hoảng Covid-19 mới chỉ tạo nên tác động nhỏ đối với thị trường lao động Việt Nam.
Theo kinh nghiệm của ILO từ việc quan sát các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây thì thị trường lao động phản ứng với suy thoái kinh tế có độ trễ do các doanh nghiệp trước tiên luôn cố duy trì lực lượng lao động của mình lâu nhất có thể bằng cách cắt giảm sản lượng cho đến khi không còn tiếp tục duy trì được nữa.
Đặc biệt, tại Việt Nam, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt nhất áp dụng đối với việc di chuyển, phong tỏa một phần và tạm dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu chỉ được áp dụng từ giữa tháng 3, sang tháng 4.
“Dự kiến tác động toàn diện của các biện pháp này sẽ được thể hiện đầy đủ trong số liệu thống kê công bố vào cuối quý II” – ILO nhận định và ước tính tác động về kinh tế đối với các lĩnh vực sẽ nặng hơn trong quý II.
ILO sử dụng số liệu kinh tế của quý I cùng với các thông tin thời gian thực về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và hệ quả gây nên đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó có thể ước tính được mức độ suy giảm về sản lượng kinh tế trong mỗi lĩnh vực trong hai quý đầu năm 2020.
Tổ chức này đặt ra hai kịch bản: Kịch bản một là mức độ tác động thấp hơn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý II và kịch bản còn lại là mức độ tác động lớn hơn khi phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được áp dụng.
Với hai kịch bản này, ILO ước tính đến cuối quý II năm nay, cuộc khủng hoảng có thể tác động tới sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động thông qua giảm số giờ làm việc, giảm lương hoặc mất việc làm.
Theo kịch bản có mức tác động lớn hơn, sẽ có 3,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 2,6 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe gắn máy và xe máy và 1,4 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng…
Người lao động đối mặt thất nghiệp
Nhiều ngành chiếm nhiều lao động nhất tại Việt Nam đang chịu tác động rất lớn từ đại dịch, đó là dệt may, da giày, thuỷ sản.
Mới đây, trước những khó khăn do đại dịch, cả ba hiệp hội ngành dệt may, da giày, thủy sản với kim ngạch xuất khẩu gần 80 tỷ USD năm qua đã cùng ký văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các bộ ngành về tháo gỡ khó khăn.
Trong công văn trên, cả ba hiệp hội: Dệt May Việt Nam (Vitas), Da giày -Túi xách Việt Nam (Lefaso) và Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, ngành dệt may, da giày và thủy sản hiện là ba trong các ngành kinh tế chủ chốt với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt gần 80 tỷ USD, tạo ra gần 8 triệu việc làm cho người lao động trên cả nước.
Rất nhiều đơn hàng từ các thị trường trọng điểm của các doanh nghiệp thuộc ba hiệp hội đã bị hủy, hoãn giao hàng, không ký tiếp đơn hàng mới và chậm thanh toán, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền, nguy cơ đứt thanh khoản.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tính đến cuối tháng 4/2020, các khó khăn đối với thị trường xuất khẩu của các ngành dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ về cơ bản chưa có dấu hiệu được cải thiện khi dịch bệnh tại Mỹ, châu u vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Một lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ, trước tác động của đại dịch, nhiều chủ doanh nghiệp phải rao bán ô tô, bất động sản để trả lương cho nhân viên, trả nợ… Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm cách giữ chân nhân sự, cầm cự, sống sót qua đại dịch. Tuy nhiên, nếu khó khăn kéo dài, nguy cơ phải “ra đường” của người lao động là rất lớn.
Nguyễn Mạnh