Tăng cường giúp đỡ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng ngân hàng vẫn cần đảm bảo chất lượng tài sản, lợi nhuận, điều kiện vay vốn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vẫn còn những doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận gói hỗ trợ của các ngân hàng.
Vì sao cung chưa gặp cầu? Cần đánh giá từ hai phía
Trong khi ngân hàng không ngừng tung ra các gói cho vay ưu đãi, giảm lãi suất nhằm đẩy mạnh dư nợ tín dụng thì nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn kêu khó tiếp cận được các khoản này.
Trên thực tế, theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, luỹ kế từ ngày 23/1/2020 (thời điểm Thủ tướng công bố có dịch) tới cuối tháng 4 đã có hơn 500.000 tỉ đồng dư nợ mới với lãi suất giảm khoảng 1 – 2 điểm % được giải ngân. Điều này đồng nghĩa với việc việc cung ứng vốn ra nền kinh tế của các ngân hàng vẫn đang được duy trì đều đặn.
Vậy điều gì đang xảy ra khiến có những trường hợp cung không gặp được cầu? Có hai vấn đề được đặt ra: ngân hàng thiếu vốn hay điều kiện cho vay mới khó thực hiện với các doanh nghiệp.
Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, ngân hàng không thiếu vốn, tuy nhiên hiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang rất yếu. Bằng chứng là tín dụng quí I/2020 chỉ tăng 1,3%, trong khi cùng kì năm ngoái tăng trưởng ở mức 3,2%.
Về vấn đề các điều kiện để tiếp cận được các gói tín dụng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, cho rằng DN cần nhận thức rõ gói tín dụng 300.000 tỉ đồng không phải gói cứu trợ kinh tế trích từ ngân sách nhà nước. Đây là gói tín dụng thông thường (lấy nguồn vốn chính từ tiền gửi của người dân và DN mà các ngân hàng đang phải trả lãi huy động) để hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh cá thể… bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Do đó, cơ chế, qui trình cho vay cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, chỉ là thủ tục nhanh gọn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn mức lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 – 2,5 điểm %/năm.
Về phía ngân hàng, việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ này không chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận mà còn là thách thức không nhỏ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh có thể khiến DN không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, thậm chí dẫn đến khủng hoảng tài chính.
Đây chính là áp lực rất lớn cho các NHTM nên quá trình triển khai sẽ có sự thận trọng nhất định để đảm bảo nhiều mục tiêu giải quyết được cùng lúc, vừa hỗ trợ các SME vừa hạn chế tối đa các rủi ro nêu trên.
Trong khi đó, có một số DN than khó khi không thể tiếp cận nguồn vốn từ gói này. Để vay được vốn, DN phải chứng minh được thiệt hại (kết quả kinh doanh sụt giảm) do dịch COVID-19, mục đích sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ. Đây là vấn đề không phải DN nào cũng đáp ứng được ngay, nhất là các SME với năng lực còn nhiều hạn chế.
Cách đây không lâu Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) từng đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ, không yêu cầu doanh nghiệp chứng minh trên báo cáo kế toán các ảnh hưởng của dịch COVID-19 do những tác động của dịch đối với doanh nghiệp thực tế hiện hữu.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, để đẩy nhanh tiếp cận chương trình tín dụng 300.000 tỉ đồng đòi hỏi thiện chí của cả người dân và doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cũng phải có thiện chí hợp tác với ngân hàng, chứng minh thiệt hại của mình để ngân hàng có căn cứ hỗ trợ. Các nước trên thế giới đều như vậy, không riêng Việt Nam. Chưa kể, gói hỗ trợ này là tiền túi của ngân hàng, chứ không phải là tiền ngân sách.
“Theo quan điểm của tôi, việc nhiều doanh nghiệp kêu chậm được ngân hàng cơ cấu nợ, chậm tiếp cận gói 300.000 tỉ đồng có lẽ là tương đối nóng vội. Rõ ràng, vấn đề này đòi hỏi cả hai bên cần nỗ lực nhiều hơn để tìm tiếng nói chung tốt hơn. Ví dụ, để hưởng ưu đãi giãn nợ, giảm lãi vay 1-2 %, doanh nghiệp nên thiện chí chứng minh sự thiệt hại bởi COVID-19, chứ không nên coi đó là điều kiện, là thủ tục ngân hàng đưa ra để làm khó”, TS. Lực nói.
Ông cho rằng ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, họ phải hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu không, sau này, ngân hàng sẽ bị qui trách nhiệm khi thanh, kiểm tra. Chưa kể, ngân hàng huy động tiền gửi của người dân, nên cho vay cũng phải thận trọng để bảo toàn vốn.
Đi tìm lời nói của người trong cuộc
Trao đổi với báo chí trong cuộc họp với NHNN mới đây, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, nhận định ở một khía cạnh nào đó, bản thân DN cũng chưa nỗ lực lắm. Thậm chí các ngân hàng còn cạnh tranh nhau để thu hút khách hàng tốt.
Thực tế, ngành ngân hàng đang tiếp cận 12.000 DN, đang giải quyết với nguồn lực 13.500 tỉ đồng, ngân hàng còn xét tiếp 36.000 DN và hỗ trợ với tổng dư nợ 96.000 tỉ đồng, bắt đầu từ khi Chính phủ banh hành Chỉ thị 11. Như vậy ngành ngân hàng đã đáp ứng tương đối nhanh.
“Vấn đề đặt ra là cần sự phối hợp giữa ngân hàng và DN để làm sao các chính sách, giải pháp đúng và trúng đối tượng, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi”, ông Thân nói.
Ông cũng nhắn gửi thêm tới các DN rằng: “Nguồn lực của chúng ta là không nhiều nên trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, rất cần sự hỗ trợ, tương tác 2 chiều. Khi DN đưa ra những khó khăn của mình phải đúng và minh bạch thông tin để các ngân hàng trực tiếp cho vay nhìn thấy. Còn những DN nào có ý định ỷ lại, trục lợi và thụ động thì không nên”.
Cũng trong sự kiện này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng phân tích: “Ở đây có bài toán lợi ích cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng khỏe, doanh nghiệp yếu thì ngân hàng cũng khó khăn. Tinh thần đồng hành và chia sẻ là rất quan trọng.
Vì vậy, dòng vốn tín dụng dứt khoát phải đảm bảo tiếp sức nhanh và kịp thời cho các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Để làm được điều này cần qui trình, qui chế minh bạch, đề cao trách nhiệm của hai bên, cần có sự trợ giúp, giám sát, thúc đẩy của các Hiệp hội và các tổ chức liên quan”.
Nhiều doanh nghiệp được giảm lãi, cơ cấu lại nợ
Trong khi một số doanh nghiệp tiếp tục kêu khó thì nhiều doanh nghiệp khác đã sớm nhận được các khoản vay mới, gói hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ từ các ngân hàng.
Đại diện Tập đoàn Sun Group cho biết công ty đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các TCTD là các đối tác của Sun Group trong suốt thời gian dài vừa qua. Theo đó, các TCTD đã giảm khoảng 05, – 1 điểm %/năm lãi suất cho các khoản vay cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch.
Bên cạnh đó, các TCTD cũng tiến hành cơ cấu lại các khoản nợ gốc, lãi đến hạn năm nay mà các mảng hoạt động của công ty bị ảnh hưởng (du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi, giải trí).
Đối với Công ty Hướng Xanh (Hà Nội), thay vì hàng tháng phải trả 40 triệu đồng cả gốc và lãi thì nay công ty chỉ phải trả một nửa.
Chuỗi cửa hàng bánh ngọt và đồ uống Paris Gateaux đã gần như phải đóng cửa hoàn toàn cả tháng nay. Không có doanh thu, hơn 500 lao động, cộng với khoản vay cả trăm tỉ đồng khiến cho bất cứ ai cũng không khỏi hoang mang. Nhưng trong lúc đó, doanh nghiệp đã được nhận được đồng thời cả việc giãn nợ cùng với giảm lãi suất từ phía ngân hàng.
Từng hoài nghi về chương trình hỗ trợ tín dụng của ngân hàng sẽ khó tiếp cận, nhưng giờ ông chủ của Vua nệm đã cảm thấy ấm lòng khi công ty được giãn nợ và miễn giảm lãi suất. “Tôi đánh giá các ngân hàng họ cũng rất nhanh chóng và chủ động để cùng với doanh nghiệp gỡ khó và giúp cho các doanh nghiệp như chúng tôi vượt qua được thời kì khó khăn này”, ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Vua Nệm nhấn mạnh.
Hỗ trợ từ phía ngân hàng là những liều thuốc đúng chỗ trong giai đoạn khó khăn do COVID-19 hiện tại cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân hàng cũng có những lí lẽ riêng của họ để lựa chọn hỗ trợ cho đối tượng nào để vừa đảm bảo được nguồn lợi nhuận vừa hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi.
Đối với những doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc, cần được giúp đỡ, NHNN cũng đề nghị những buổi làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp và ngân hàng để cùng tháo gỡ khó khăn.
Diệp Bình
Theo Kinh tế & Tiêu dùng