Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được Chính phủ tung ra giúp người dân có nhà. Gói hỗ trợ này đã mang lại nhiều điều tích cực cho người dân và cũng mang lại nhiều điều “dở khóc dở cười” khi kết thúc.
Khi bất động sản đóng băng giai đoạn 2011-2013, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 2/2013 ngày 7/1/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng áp dụng từ 2013-2016.
Trong đó, có 70% tương đương 21.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng; còn 30% gói tín dụng ưu đãi tương đương với 9.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Áp dụng lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013; và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2020.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, sau 3 năm thực hiện gói 30.000 tỷ đồng, đến hết năm 2016, đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 56.186 người mua được nhà ở.
Trong đó chỉ có khoảng 1/3 là nhà ở xã hội. Còn lại phần lớn là nhà ở thương mại. Riêng TPHCM đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền được vay là 7.032 tỷ đồng.
HoREA còn cho biết thêm, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (ngày 30/6/2016 đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, ngày 31/12/2016 đối với cá nhân), đã có tác động tiêu cực, gây khó khăn rất lớn đối với 2 đối tượng.
Thứ nhất, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (NƠXH) đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi nhưng chưa giải ngân hết thì không được tiếp tục giải ngân phần còn lại kể từ ngày 01/7/2016.
Thứ hai, nhiều người có thu nhập thấp đô thị đã ký hợp đồng, đang giải ngân dở dang, nhưng chưa nhận nhà trong năm 2016, không được tiếp tục giải ngân vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội kể từ ngày 01/1/2017. Vì vậy, người mua nhà phải chuyển sang vay theo phương thức thương mại với lãi suất cao hơn gấp đôi lãi suất vay ưu đãi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, nhiều dự án nhà ở xã hội đã phải tính toán lại việc xây dựng. Một số dự án không thể triển khai, nhiều chủ đầu tư đã phải xin chuyển đổi mục đích từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại.
Điển hình, dự án khu trung tâm thương mại dân cư Hưng Điền (phường 16, quận 8, TPHCM) do Công ty CP Đầu tư Tuấn Hưng (Công ty Tuấn Hưng) làm chủ đầu tư. Dự án được công bố vào năm 2008 và được chủ đầu tư sẽ hoàn thành trong 36 tháng. Tuy nhiên, sau đó Công ty Tuấn Hưng đã phải kiến nghị lên UBND TPHCM vì gặp nhiều khó khăn và xin chuyển dự án từ NƠXH sang nhà thương mại. Ghi nhận hiện tại dự án vẫn chỉ là đất trống, cây cối mọc um tùm…
Một trường hợp khác là dự án NƠXH Haus Belo (đường Võ Chí Công, phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM) do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Minh Sơn (Công ty Minh Sơn) làm chủ đầu tư. Đơn vị phát triển dự án này là Công ty EZ Land Việt Nam. Dự án được quảng cáo rộng khoảng 55.000m2, mật độ xây dựng khoảng 50%. Quy mô gồm 3 block A, B, C, mỗi block cao 15 tầng cung ứng 888 căn hộ cùng dãy nhà phố thương mại dưới tầng trệt.
Được biết, Công ty Minh Sơn đang đề nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2.000 làm cơ sở để công ty điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, tăng quy mô dân số đối với lô đất xây dựng chung cư.
Tương tự, dự án NƠXH thuộc phường An Phú Đông, quận 12 do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (Công ty Địa ốc Sài Gòn) làm chủ đầu tư. Công ty Địa ốc Sài Gòn đã có văn bản kiến nghị với Sở Xây dựng TPHCM cho phép chuyển đổi 61 căn hộ NƠXH sang giá bán thương mại.
Qua đó, được biết dự án NƠXH ở phường An Phú Đông có tổng số 308 căn hộ và chủ đầu tư buộc phải dành ra 61 căn hộ để cho thuê. Bên cạnh đó, 184 căn hộ khác chỉ được bán giá không vượt quá 14,5 triệu đồng/m2.
Cuối cùng chủ đầu tư chỉ được bán 63 căn hộ với giá thương mại. Tuy nhiên, qua tính toán thì Công ty Địa ốc Sài Gòn sẽ bị lỗ gần 15 tỷ đồng. Chính nguyên nhân này đã khiến chủ đầu tư xin chuyển đổi đối với 61 căn hộ NƠXH để thu hồi vốn và lãi.
Quế Sơn