Các chuyên gia nhận định, việc nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành lượng trái phiếu lớn nhất trong quý I với mức lãi suất cao đang cảnh bảo tín hiệu bất thường của thị trường, nguy cơ ‘vỡ trận’ có thể xảy ra khi sự phục hồi của thị trường BĐS chưa thể dự đoán, khả năng cầm cự và phát triển của doanh nghiệp còn khốn khó…
“Khát vốn”, doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Báo cáo của Công ty chứng khoán SSI mới đây cho biết, trong quý I, các doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng chấp nhận phát hành trái phiếu lãi cao. Cụ thể, báo cáo của SSI ghi nhận, nhóm các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) dẫn đầu về khối lượng phát hành với tỷ lệ 49%, tương ứng với 23.202 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi suất phát hành bình quân trong quý I là 10,77%/năm, tăng 43 điểm cơ bản so với bình quân năm 2019, dù kỳ hạn bình quân ngắn hơn 1-2 tháng.
“Trong quý vừa qua, đã có có 33 doanh nghiệp BĐS phát hành tổng cộng 23.200 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ và bằng 18,3% tổng lượng phát hành cả năm ngoái”- báo cáo của SSI nêu rõ.
Theo đánh giá của SSI, trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư vì lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm.
SSI nhận định: “Mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường”.
Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu là điều hiển nhiên khi họ khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng.
“Dịch bệnh tác động mạnh đến nền kinh tế trong đó có BĐS. Các ngân hàng sẽ thắt chặt việc cho vay, nhất là cho vay lĩnh bực BĐS. Trong khi đó, doanh nghiệp địa ốc cần tiền để nuôi dự án. Các nhà phát triển BĐS phải tìm đến kênh khác. Khi nguồn cung tài chính hạn hẹp, nền kinh tế khó khăn thì lãi suất là cần câu hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư. Hiện tượng doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu với lãi suất cao sẽ còn tiếp tục gia tăng trong năm nay”– Ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: “Khi doanh nghiệp gặp khó khăn hay phá sản, trong trật tự ưu tiên giải quyết thì trái phiếu bao giờ cũng được ưu tiên hơn cổ phiếu. Nên xét về mặt rủi ro tài chính thì trái phiếu được ưu tiên nhiều hơn”.
Ông Ánh cũng nhấn mạnh, khi ngân hàng siết tín dụng, doanh nghiệp buộc phải đặt ra mức lãi suất cao để gia tăng tính hấp dẫn, thu hút vốn.
Cảnh báo bất ổn của thị trường
Trước tình trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao, trong báo cáo quý I, SSI đã đưa ra cảnh báo rủi ro với các nhà đầu tư như khả năng thanh toán, thanh khoản và sức chịu đựng qua các thời kỳ dịch bệnh của doanh nghiệp.
“Các cơ chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cá nhân và minh bạch hóa các thông tin thị trường vẫn chưa có nhiều cải thiện trong quý vừa qua”, đại diện SSI nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Thị trường tài chính đang bị tác động mạnh mẽ. Thị trường cho vay của ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong khi đó, dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát và nguy cơ tác động mạnh đến nền kinh tế là không tránh khỏi.
Chính sách cách ly xã hội đang làm cho nền kinh tế có dấu hiệu “đóng băng”, ngay cả đối với thị trường BĐS. Các doanh nghiệp địa ốc cũng khó khăn. Họ nhận thấy rủi ro từ thị trường. Họ cần tiền để “nuôi sống” dự án. Và nguồn vốn mà họ cần rất lớn. Lẽ ra, trước đây, nguồn vốn của doanh nghiệp địa ốc đến từ ngân hàng nhưng hiện tại đã bị giới hạn. Bởi ngân hàng đang lo nợ xấu BĐS sẽ càng thiết chặt việc cho vay. Doanh nghiệp địa ốc phải huy động lãi suất cao”.
Ông Hiếu đặt ra lo ngại, dấu hiệu này đang cảnh báo sự bất ổn của thị trường khi doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng chấp nhận phát hành trái phiếu lãi suất cao. Nguy cơ vỡ trận có thể xảy ra khi sự phục hồi của thị trường BĐS chưa thể dự đoán, khả năng cầm cự và phát triển của doanh nghiệp còn khốn khó.
“Như vậy, trong trường hợp các doanh nghiệp không thể trả lãi hoặc gốc cho nhà đầu tư thì chắc chắn thiệt hại đầu tiên sẽ thuộc về người mua trái phiếu. Quan ngại hơn, tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và nền kinh tế”, ông Hiếu lo ngại.