Làn sóng Covid-19 thứ 2 gây ra các tác động nặng nề tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó khó khăn là việc cân đối thu – chi và giữ chân người lao động.
Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tác động của dịch Covid-19 lần thứ 2 tới doanh nghiệp. Cơ quan này đã tiến hành khảo sát 15 hiệp hội doanh nghiệp, 349 doanh nghiệp để đưa ra kết quả khảo sát này.
Đây là cuộc khảo sát lần 3 của Ban IV, cho thấy tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai gây ra đặc biệt lớn tới doanh nghiệp. Theo đó, 20% số doanh nghiệp trả lời đã phải tạm dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu – chi, 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất phải đối mặt trong tháng tới là không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm (81% đã có câu trả lời này). Ngoài ra, 72% doanh nghiệp cũng lo không đảm bảo việc trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; 53% lo lắng về trả tiền vay ngân hàng, cả gốc và lãi.
72% doanh nghiệp lo không đảm bảo việc trả lương cho người lao động. Ảnh: Việt Linh.
Một số hiệp hội chỉ ra khó khăn về việc trả tiền thuê đất cho Nhà nước. Tiền thuê đất năm 2020 đã tăng đột biến bởi một số điều chỉnh chính sách, cách thức tính toán giá thuê đất… dẫn tới các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất lớn phải nộp số tiền tăng rất cao.
Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, chậm trễ thanh toán dù đã nhận hàng. Điều này làm ảnh hướng đến dòng tiền của các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng, các doanh nghiệp trung gian.
“Điều này gây ra áp lực kép cho doanh nghiệp bởi vẫn phải đảm bảo các khoản chi ngay cho nguyên, nhiên liệu đầu vào, chi phí nhân công…”, báo cáo nêu.
76% doanh nghiệp khảo sát trả lời không cân đối được thu – chi, trong đó 54% doanh nghiệp có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí. Chỉ có 7% doanh nghiệp trả lời có dòng tiền vào đáp ứng được trên 75% chi phí.
Kết quả khảo sát một số hiệp hội cho thấy tình trạng giải thể, tạm ngừng hoạt động có diễn ra. Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết có 20% thành viên tạm ngừng một phần kinh doanh. Hiệp hội Du lịch Việt Nam ước tính 20% doanh nghiệp (1.600) tạm dừng hoạt động và 10% giải thể.
Đợi bùng phát dịch lần thứ hai cũng khiến 47% doanh nghiệp trả lời phải cắt giảm lao động. Đáng chú ý, 33% doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động; 27% doanh nghiệp duy trì lao động nhưng giảm lương, giảm giờ làm.
Ban IV đề xuất cần có chính sách để tiết giảm chi cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Ảnh: Quỳnh Danh.
Du lịch là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo khảo sát, các doanh nghiệp siêu nhỏ/nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé thì phần lớn sa thải 100% lao động. Đối với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế sa thải khoảng 80% lao động. Đối với các doanh nghiệp du lịch lớn thì mức sa thải trung bình khoảng 40-50%.
Theo đánh giá, để các doanh nghiệp tồn tại được trong bối cảnh dịch là một nỗ lực rất lớn vào lúc này, nhưng để giữ người lao động, đặc biệt là bộ máy lãnh đạo chủ chốt, các cơ quan quản lý cấp trung và người lành nghề còn khó hơn nữa. Áp lực về dòng tiền khiến doanh nghiệp hầu như không có lựa chọn nào ngoài việc cắt giảm mạnh lao động.
Báo cáo dẫn kiến nghị của hầu hết doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất Chính phủ việc xây dựng, thực hiện các gói chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để duy trì hoạt động tối thiểu trong 6-12 tháng tới. Đồng thời, thực hiện ngay biện pháp đảm bảo an sinh xã hội dành cho người lao động, đồng thời cần cắt giảm mạnh các quy trình, thủ tục hành chính và các điều kiện bất hợp lý.
Thực tế doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận các chính sách của Chính phủ bởi điều kiện đưa ra chưa hợp lý, chưa thực tiễn, quy trình còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ hướng dẫn.
Ban IV mong muốn các chính sách của Chính phủ trong gói hỗ trợ cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp làm ưu tiên hàng đầu. Đồng thời Chính phủ cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách ra đời nhanh, được thực thi nhanh, minh bạch, thuận tiện…
Cơ quan nghiên cứu cũng đề xuất thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã kiệt quệ và đổ vỡ, Chính phủ nên rà soát, sửa đổi báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi theo hướng có nhiều hơn những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra.
Cụ thể, doanh nghiệp mong muốn áp dụng mạnh hơn việc miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản tiền phải nộp trong năm 2020-2021, như các loại tiền bảo hiểm, thuế, phí, tiền thuê đất, lãi vay ngân hàng, chi phí công đoàn…
Ban IV đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ doanh nghiệp trong năm 2020; giảm 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020 và thậm chí kéo dài sang 2021.
Ngoài ra còn giảm phí công đoàn, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% để kích cầu tiêu dùng. Ban nghiên cứu đề xuất cần có các gói vay trả lương với lãi suất đặc biệt.