Chính phủ ban hành nhiều chính sách kịp thời để thực hiện ‘mục tiêu kép’ vừa phát triển, vừa chống dịch hiệu quả, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời để thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa chống dịch hiệu quả.
Trong lĩnh vực bất động sản, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội được chọn là một trong những pháp cấp bách giai đoạn này.
Do đó, Chính phủ đã cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định.
Từ đó, có thể huy động được hơn 60.000 tỷ để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.
Đặc biệt, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội cũng được sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung như: cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, hoàn trả nghĩa vụ tài chính, tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…
Hiện Chính phủ đang nghiên cứu ban hành Nghị quyết về phát triển dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2); trong đó có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, về thuế, về thủ tục đầu tư xây dựng, cơ chế huy động vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào loại hình nhà ở này.
Trước thực trạng cải tạo chung cư cũ quá “ì ạch” với tỷ lệ thực hiện rất thấp, Chính phủ đang tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, sẽ có nhiều điểm mới để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư cải tạo lại các chung cư cũ tại các thành phố lớn, vừa chỉnh trang bộ mặt đô thị, vừa đảm bảo chỗ ở an toàn cho người dân.
Để hỗ trợ hoạt động động đầu tư xây dựng được thuận lợi, thực hiện miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.
Đồng thời, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng được bãi bỏ và phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
Hiện hệ thống pháp luật liên quan vẫn tiếp tục được hoàn thiện; trong đó, rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Cụ thể là sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng… cũng như các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, xác định chế độ sử dụng đất, về chuyển nhượng, chuyển đổi dự án đầu tư…
Các giải pháp của Chính phủ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo đà khôi phục lại sản xuất kinh doanh – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.
Chỉ số giá giao dịch bất động sản trong 2 quý đầu năm 2020 tại một số đô thị lớn có biến động, tuy nhiên, mức độ không lớn. Điển hình, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,27%, căn hộ trung cấp tăng khoảng 0,51%, căn hộ bình dân tăng 0,77%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với quý I của năm 2020.
Tại Tp.Hồ Chí Minh giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%, căn hộ trung cấp tăng 0,64%, căn hộ bình dân tăng 0,94%; nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với quý trước đó./.