Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản về tình hình hoạt động kinh doanh thời gian qua, đại đa số cho biết, họ có cảm giác “tủi thân” khi dường như bị đứng ngoài cuộc trong các giải pháp hỗ trợ chung, trong đó một phần nguyên nhân xuất phát từ quan niệm bất động sản không phải ngành sản xuất – kinh doanh trọng yếu, trong khi đây là ngành tác động dây chuyền rất lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp bất động sản đã vượt quá giới hạn, nên cấp thiết cần thêm nhiều trợ lực thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách, cũng như các gói hỗ trợ tài chính để có thể tiếp tục chống chọi với những gian nan ở phía trước khi dịch bệnh chưa qua đi.
Với đặc thù của ngành kinh doanh bất động sản là phải đưa khách hàng trực tiếp tới xem dự án thì mới bán được hàng, nếu việc lưu thông, di chuyển gặp khó khăn do yếu tố bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19 thì doanh nghiệp cũng chẳng thể làm gì hơn. Vẫn biết việc phòng chống dịch cần phải được đặt lên hàng đầu, nhưng điều này cũng ảnh hưởng rất lớn, vì với sản phẩm bất động sản, việc chốt giao dịch trên môi trường online là rất khó, khách hàng đều muốn trực tiếp tham quan dự án thì mới xuống tiền…
Khó khăn trong việc đi lại là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản có dự án tại các tỉnh lân cận TP.HCM lo lắng, bởi nếu lại phải hạn chế đông người hay không thể đưa khách hàng trực tiếp tham quan dự án sẽ ảnh hưởng tới công tác bán hàng dịp cao điểm cuối năm – thời điểm các doanh nghiệp đều đặt kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu lớn.
Đáng chú ý là khó khăn về vay vốn, lãi suất vay. Có tới 89% sàn giao dịch không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các ngân hàng cũng là rất hạn chế. Cộng với khó khăn chi phí thuê mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh khi trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng chung, doanh thu sụt giảm, thậm chí không có nguồn thu nhưng có tới hơn 70% các sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng. Thậm chí, nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chống dịch cũng không được giảm.
Sức ảnh hưởng của COVID-19 đến các sàn giao dịch bất động sản là vô cùng lớn khi có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao. Thống kê cho thấy, hiện tại đã có tới hơn 80% Sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Không có doanh thu, quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc phải cắt giảm nhân sự. Đã có tới 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.
Trong khi đó, không một doanh nghiệp phát triển dự án nào tự tin nói rằng, họ không sử dụng vốn vay. Ngược lại, tỷ lệ vốn vay thường rất lớn, kèm theo đó là chi phí lãi vay cao. Nếu dự án càng kéo dài, thì sản phẩm bất động sản sẽ không ngừng bị “đội vốn”. Các chuyên gia đồng tình rằng, giải quyết hợp lý các dự án vướng đất xen cài sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa dự án vào triển khai, khơi dậy lại thị trường bất động sản vốn chịu tổn thất lớn trong làn sóng dịch.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)