Bối cảnh dân số tăng nhanh, hạ tầng nội đô quá tải, nguồn cung mới khan hiếm và giá neo cao tại những đô thị lớn như TP.HCM đang khiến nhiều người trẻ có xu hướng lựa chọn mua nhà ở tại các khu vực lân cận với đa dạng sản phẩm và mức giá hợp lý hơn.
Nắm bắt được xu thế đó, các doanh nghiệp bất động sản nhanh chóng đổ về các địa phương trong vùng TP.HCM để đầu tư những đô thị quy mô lớn, hiện đại.
Theo đó, tại những địa phương lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương… xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm nhà ở, vừa cung cấp cho người dân địa phương, vừa có thể dành cho người làm việc ở TP.HCM. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên tục được đầu tư mở rộng đã và đang tạo điều kiện cho xu hướng di dân từ khu vực trung tâm thành phố về vùng ven.
Ghi nhận cho thấy, tại Long An, một số khu đô thị quy mô lớn đang thu hút mạnh nhu cầu ở thực lẫn đầu tư. Chẳng hạn, Khu đô thị Waterpoint của Nam Long Group đang triển khai phân khu mới, trong khi các giai đoạn trước đó đã có cư dân vào sinh sống đông đúc. Đáng chú ý, ngoài dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự, villa ven sông, dự án này còn có sản phẩm căn hộ EHome Southgate giá vừa túi tiền (từ 1 tỷ đồng/căn) thu hút đông đảo người có nhu cầu ở thực.
Hay tại Đồng Nai, các dự án như Izumi City, Nam Long Đại Phước, Aqua City… cũng là những “điểm sáng” của khu vực này, trở thành xu hướng lựa chọn nhà ở cho những người thích cuộc sống thoải mái, mà không quá xa TP.HCM.
Theo các chuyên gia trong ngành, đây không phải là xu hướng mới nhưng khuynh hướng giãn dân đô thị ngày càng gia tăng kéo theo nhu cầu nhà ở ven đô ngày càng lớn.
Ghi nhận thực tế cho thấy, người mua nhà hiện không quan tâm quá nhiều đến khu vực địa lý, mà chú trọng vào thời gian di chuyển, nghĩa là chuyện làm việc ở TP.HCM nhưng sinh sống tại Đồng Nai, Bình Dương, thậm chí Long An không còn quá xa lạ.
Điều này xuất phát từ thực tế là hạ tầng giao thông kết nối đô thị với các khu vực lân cận ngày càng hoàn thiện, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, đồng thời giá bất động sản khu vực này còn hấp dẫn. Nhiều dự án khu đô thị quy mô lớn ven TP.HCM có thể đáp ứng mọi nhu cầu về tiện ích nên nhiều người lựa chọn nơi đây làm căn nhà thứ hai hoặc chuyển hẳn về sinh sống.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, xu hướng người dân thành phố dịch chuyển về khu vực ven TP.HCM để sinh sống trở nên rõ nét hơn kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và kết nối hạ tầng, chất lượng dịch vụ ngày càng hoàn thiện hơn ở nơi đây trở thành chất xúc tác quan trọng cho xu hướng này.
Theo giới chuyên gia, xu hướng “ly tâm” từ trung tâm thành phố về vùng lân cận TP.HCM sẽ còn kéo dài bởi việc kết nối các khu đô thị ở Đồng Nai, Bình Dương hay Long An với Thành phố ngày càng thuận tiện, nhanh chóng. Bên cạnh đó, chênh lệch về chất lượng sống giữa các khu vực cũng ngày càng thu hẹp, trong khi giá cả sinh hoạt và dịch vụ ở vùng ven vừa phải hơn.
Bên cạnh đó, chiến lược xây dựng mạng lưới giao thông nhiều tầng bao gồm cả hệ thống đường sắt (metro Bến Thành – Suối Tiên), đường bộ cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành) và đường hàng không (sân bay Long Thành) là tiền đề để tạo ra một vành đai kinh tế với trọng tâm là TP.Thủ Đức.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc phát triển hạ tầng tập trung, có chiến lược sẽ đưa thành phố Thủ Đức thành trục liên kết với nhiều hướng kết nối, tạo nên nền tảng vững chắc để thúc đẩy kinh tế – xã hội tăng tốc. Với lĩnh vực đóng vai trò đặt biệt quan trọng như bất động sản, sự đột phá hạ tầng sẽ tác động trực tiếp tới khả năng tăng trưởng thị trường nhà đất khu Đông.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán, VietNamNet)