Phát triển đô thị nóng nhưng lại thiếu chế tài và cơ chế giám sát đồng bộ, TPHCM đang phải đối mặt với thực trạng thiếu mảng xanh nghiêm trọng.
Ô nhiễm không khí, khói bụi và bức xạ nhiệt ngày càng gia tăng, buộc TP phải có chiến lược xanh hóa đô thị trong giai đoạn tới.
“Lá phổi” quá bé
Ai cũng hiểu mảng xanh (cây xanh) có tác dụng rất tích cực đến môi trường, góp phần làm trong lành không khí, tạo ra cảnh quan đẹp mắt. Đặc biệt là với đô thị có quy mô dân số lớn như TPHCM thì mảng xanh được ví như “lá phổi” giúp cư dân bớt ngột ngạt.
Tuy nhiên, trong ba thập niên qua, việc phát triển nóng đô thị (từ cơ sở hạ tầng, các cụm khu dân cư) tại TPHCM lại bỏ quên quy hoạch mảng xanh đi kèm, khiến chất lượng sống của người dân sụt giảm. Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh toàn TP lên đến 11.400 ha tương ứng chỉ tiêu 7m2/người, nhưng thực tế hiện nay con số này chỉ là 500 ha, tương ứng tỉ lệ 0,55 m2/người.
Để tăng mảng xanh trên toàn TP, đạt chỉ tiêu 1m2/người vào năm 2030, Sở Xây dựng vừa có tờ trình UBND TPHCM về Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2030. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị, những giải pháp xanh hóa hiện nay chỉ là tình thế (trừ khu Phú Mỹ Hưng). Nếu muốn thực hiện xanh hóa TP cần phải có một kế hoạch dài hơi, thực hiện một cách quyết liệt bởi thực tế quỹ đất để làm công viên tại các quận trung tâm rất khan hiếm, chỉ có thể sử dụng giải pháp trồng cây xanh xen cài.
Ngoài việc thiếu mảng xanh trong các khu dân cư mới một cách nghiêm trọng, số công viên trên địa bàn TPHCM cũng khá ít lại phân bố không đều. Đơn cử, trên địa bàn Quận 1 có 4 công viên là Tao Đàn, Lê Văn Tám, 30/4 và 23/9. Trong khi đó, Quận 3 ngay cạnh lại không có công viên lớn nào. Còn tại các quận, huyện như Quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi… dù sở hữu quỹ đất lớn nhưng cũng không có công viên.
Theo TS Võ Kim Cương – chuyên gia quy hoạch & phát triển đô thị, một nguyên nhân nữa khiến TPHCM thiếu mảng xanh trầm trọng chính là việc lỏng lẻo trong giám sát của các đơn vị có trách nhiệm với các dự án phát triển bất động sản trên địa bàn TP. Bởi theo quy định mọi dự án đều phải dành diện tích nhất định cho công viên. Tuy nhiên, không nhiều chủ đầu tư chấp hành nghiêm quy định này. Đây chính là “lỗ hổng” trong việc thiếu đồng bộ khi quy hoạch và phát triển các khu dân cư thời gian qua khiến TP đang trả giá.
Giải pháp nào?
Với tốc độ phát triển chỉ 1,54 ha công viên mỗi năm như hiện nay, theo tính toán của các chuyên gia, TPHCM sẽ mất nhiều thời gian để phủ xanh hàng nghìn ha đất quy hoạch công viên còn lại. Vì vậy, giải pháp đặt ra trước mắt theo Sở Xây dựng TPHCM là các quận, huyện phải ngay lập tức rà soát, cập nhật nguồn gốc toàn bộ các khu đất được quy hoạch công viên trước đây trong các đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/500, 1/2000. Tùy tính chất của từng khu đất, Sở Xây dựng TPHCM sẽ đề xuất lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư.
Song song đó, các quận, huyện phải rà soát danh mục công viên trong dự án phát triển nhà ở chưa đầu tư xây dựng, nhất là các dự án có người dân sinh sống. Nếu chủ đầu tư chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa hoàn chỉnh thì phải đề ra lộ trình đầu tư để làm sao hướng đến việc tạo mảng xanh tốt nhất cho cụm dân cư song hành.
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM) để phát triển mảng xanh trong bối cảnh hiện nay, ngoài diện tích gia tăng từ các công viên được quy hoạch trong giai đoạn 2020 – 2030, TP HCM có thể tăng không gian xanh theo biên nước (bờ sông) vì TP có tiềm năng rất lớn.
“TPHCM sở hữu hệ thống kênh rạch rất lớn, nếu tận dụng, phát triển tốt mảng xanh theo biên nước, sẽ tạo ra bản sắc và đặc trưng riêng cho mình. Minh chứng rõ nét nhất chính là không gian xanh TP đang có sau khi cải tạo bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tàu Hũ – Bến Nghé. TP có thể áp dụng mô hình trên cho hàng loạt tuyến kênh rạch khác thông qua dự án chỉnh trang đô thị với tăng cường mảng xanh đa chức năng… chắc chắn trong thời gian ngắn TPHCM sẽ tái tạo mảng xanh lại cho mình” – KTS Anh Tuấn cho biết.
Để tạo thêm quỹ đất cho phát triển không gian xanh, đặc biệt ở khu trung tâm, KTS Nguyễn Đình Hòa cho rằng: TP cần chủ động điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 để lập các dự án quy hoạch khu nhà ở phức hợp cao tầng kết hợp khu công viên cây xanh thành các dự án trọng điểm nhằm mời gọi đầu tư. Bên cạnh đó, UBND TPHCM cần có giải pháp để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, quản lý khai thác công viên cây xanh có quy mô trên 10 ha.
Riêng những công viên có quy mô lớn trên 100 ha, có thể kêu gọi đầu tư thành một khu vui chơi giải trí có thu phí, nhưng bắt buộc dành một phần diện tích lớn làm công viên công cộng, như thế sẽ tận dụng và khai thác tốt quỹ đất cũng như tạo thêm không gian xanh cho đô thị.
Năm 2019, TPHCM đã trồng được 50 ha rừng trên đất bãi bồi, trên 403.000 cây xanh phân tán. Ngoài ra, các tổ chức và nhân dân đã tự mua và trồng 600.000 cây (chiếm 60% số cây xanh trồng trong năm 2019). Đến nay, TPHCM đã chuyển hóa toàn bộ 715/747 điểm ô nhiễm về rác thải, trong đó có 90 điểm ô nhiễm được chuyển hóa thành công trình xanh – sạch – đẹp, mảng xanh, khu sinh hoạt phục vụ cộng đồng theo Chỉ thị 19-CT/TU.