Phát triển Khu đô thị sinh thái thông minh tại Cần Giờ đã trở thành quyết định quốc gia, thể hiện tầm nhìn chiến lược táo bạo và mang tầm vóc quốc gia trên hành trình phát triển Việt Nam thành cường quốc kinh tế biển.
Thực tiễn thế giới cho thấy, một quốc gia thành công không thể không gắn với hệ thống đô thị ven bờ và vươn ra biển lớn, biết coi trọng và tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các nguồn lợi kinh tế biển, như công nghiệp đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thuỷ, hải sản; công nghiệp, dịch vụ cảng, giao thông vận tải biển; công nghiệp dịch vụ du lịch, nghiên cứu khoa học; bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh…
Việt Nam là nước có bờ biển dài và diện tích lãnh hải rộng nhất Đông Nam Á (không kể các quốc gia quần đảo), với 3/4 Tổ quốc Việt Nam là biển và 28/63 tỉnh, thành phố có biển, gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Phát triển kinh tế biển nói chung và các đô thị biển nói riêng không chỉ có ý nghĩa về kinh tế – xã hội mà còn là nhu cầu cấp thiết và nội dung quan trọng nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững.
Hải Phòng trước đây cũng tương tự như Cần Giờ hiện nay, vậy mà đã từng bước trở thành đô thị ven biển theo mô hình “Cảng – Biển – Đô thị”. Nhiều đô thị ven biển khác của Việt Nam cũng đã và đang hình thành theo mô thức đó, tiêu biểu là Đà Nẵng.
Song, thực tế cũng cho thấy, cả nước hiện mới có 10 huyện đảo ven bờ, 2 huyện đảo ngoài khơi. Ở 10 huyện đảo ven bờ, trong số 3.000 đảo nói trên, mới có 66 đảo có người sinh sống… Do đó, chủ động khai thác các tiềm năng biển, trong đó có lấn biển và chủ động các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành mạng lưới các chuỗi đô thị biển, đô thị đảo, gắn với khu kinh tế ven biển và cảng biển, củng cố động lực lan tỏa; gia tăng liên kết vùng; trở thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”; nâng cao dần tỷ trọng kinh tế biển trong quy mô kinh tế quốc gia… là định hướng phát triển lớn được khẳng định trong Luật biển và các Nghị quyết Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển.
Gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu. Lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá. Ưu tiên đầu tư ngân sách Nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước.
Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam….
Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh. Khu kinh tế ven biển phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng. Đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.
Đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Mục tiêu đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; Trên phạm vi cả nước, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 – 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn
Quán triệt Nghị quyết này, ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra 6 nội dung, giải pháp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; về phát triển kinh tế biển, ven biển; về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế…
Trong đó, về phát triển kinh tế biển, ven biển, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng.
Thí điểm phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác. Xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tiếp tục tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, dầu khí, các dạng hydrocarbon phi truyền thống tại các bể trầm tích vùng nước sâu xa bờ nhằm gia tăng trữ lượng khoáng sản, dầu khí. Nâng cao hiệu quả khai thác, tăng hệ số thu hồi các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Tập trung phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên chuyển đổi một số nghề khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, các nghề cấm nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản trên các vùng biển; đẩy mạnh phát triển các nghề khai thác hải sản xa bờ, viễn dương theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Xây dựng và vận hành các mô hình tổ chức sản xuất trong nuôi trồng và khai thác hải sản hợp lý; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của môi trường và nguồn lợi thủy sản; nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.
Tháng 6/2020, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM) theo Quyết định số 826/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký.
Đây không chỉ là việc cụ thể hóa các hướng triển khai Nghị Quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 26/NQ-CP nêu trên mà còn là bước đi căn bản trên hành trình hiện thực hóa tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 20 năm trước về xây dựng khu đô thị Cần Giờ, với tư cách là công trình mang tính đột phá, tầm cỡ không chỉ đối với Việt Nam, mà ít nhất cũng mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, có thể so sánh với Langkawi của Malaysia, Pattaya của Thái Lan hay Bali của Indonesia.
Đặc biệt, việc tiến ra biển nhằm biến vùng biển duy nhất của TP.HCM trở thành một khu đô thị nghỉ ngơi, giải trí, du lịch có tầm cỡ khu vực sẽ giúp Cần Giờ hoàn toàn có thể cạnh tranh với vị trí của Singapore.
Cần Giờ sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi cả về vị trí địa lý và tài nguyên: Vùng đất này dồi dào về nguồn cung nước ngọt, lại sở hữu 33.000ha rừng rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, với hệ thống sông ngòi dày đặc, bãi biển dài khoảng 13km, là vùng biển bồi, có dạng một vịnh, có nước sâu, nằm trong vùng ít bão và không thuộc vùng dưới mức nước biển khi xảy ra kịch bản xấu nhất của nước biển dâng và chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km; Môi trường thích hợp cho nuôi trồng các loại thuỷ hải sản và phát triển loại hình du lịch sinh thái; Nơi đây còn có nhiều di tích văn hóa và các lễ hội truyền thống của người dân địa phương (Lễ hội Nghinh Ông đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Dự án đang hội tụ đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Khu đô thị lấn biển này không đòi hỏi giải phóng mặt bằng và nằm kế cận vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ, hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO…
Người dân làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ và nghề làm muối trong vùng rất đồng thuận với việc triển khai dự án với kỳ vọng sẽ đổi đời do cơ hội phát triển sinh kế mới gắn với triển khai dự án biến Cần Giờ trở thành khu du lịch có bãi tắm biển và các hạ tầng, dịch vụ du lịch sinh thái khác.
Phát triển Khu đô thị sinh thái thông minh tại Cần Giờ đã trở thành quyết định quốc gia, thể hiện tầm nhìn chiến lược táo bạo và mang tầm vóc quốc gia trên hành trình phát triển Việt Nam thành cường quốc kinh tế biển.
Đây cũng là cơ hội đầu tư lớn đầy hấp dẫn, đang và sẽ tiếp tục thu hút và hội tụ các nhà đầu tư xứng tầm, có thực lực, cả trong nước và nước ngoài, để xây dựng và triển khai các dự án lớn về phát triển giao thông, đa dạng hóa – hiện đại hóa cơ sở vật chất khai thác các tài nguyên, sản phẩm du lịch và các dịch vụ liên quan.
Phát triển Khu đô thị sinh thái thông minh tại Cần Giờ đã trở thành quyết định quốc gia
Sự kết hợp và cộng hưởng sức mạnh tiềm năng sẵn có của địa phương với quy mô dự án lấn biển Cần Giờ sẽ từng bước khiến vùng đất vốn hoang vu này thay da, đổi thịt, vươn xa, mở rộng và phát triển mạnh mẽ, trở thành một trụ cột du lịch và vùng động lực mới góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM nói riêng và của cả nước.
Thay đổi hình ảnh và nâng cao sức sống mãnh liệt một vùng biển, một quốc gia biển cần trước hết có sự hay đổi tư duy và tầm nhìn hướng biển với tâm thức và tư thế mới; đẩy nhanh quá trình hoàn thiện luật pháp và chính sách để quản lý tổng hợp biển theo không gian, phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.
Đặc biệt, cần coi trọng xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi và hiệu quả nhằm khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư đúng hướng, bảo đảm cân bằng và hài hoà lợi ích, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển…
Trong đó, cần bảo đảm chất lượng quy hoạch và cơ chế quản lý đặc thù phù hợp; ưu tiên đầu tư xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế – xã hội (đặc biệt là hệ thống điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục, hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường), đảm bảo cho người dân sinh sống và doanh nghiệp làm việc tại đô thị tiếp cận thuận lợi, theo hướng bền vững, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
Cửa đã mở và các nguồn lực đã sẵn sàng, cần một quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự chỉ đạo thống nhất, hiệu quả nhằm khai thác mọi cơ hội và phát huy tốt nhất mọi nguồn lực cho triển khai dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ xứng đáng với sứ mệnh lịch sử của mình và kỳ vọng của cả nước./
TS. Nguyễn Minh Phong **Thiết kế: Thế Công