Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thị trường đổi tiền lẻ đang diễn ra rất sôi động, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân trong khoảng thời gian này. Mức phí đổi tiền lẻ, tiền mới tại một số tuyến phố và trên các trang mạng cao gấp đôi, gấp ba…
Kể từ năm 2013 đến nay, để tiết kiệm ngân sách, NHNN không phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp tết Nguyên đán. NHNN cam kết vẫn cung ứng tiền lẻ qua lưu thông để phục vụ nền kinh tế. Nếu người dân có tài khoản ở ngân hàng nào thì nên đến đổi tiền mới ở ngân hàng đó để không tốn phí; số tiền đổi được nhiều hay ít phụ thuộc vào từng ngân hàng.
Trên thực tế, hoạt động thu đổi tiền để hưởng chênh lệch là vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể, NHNN đã ban hành Thông tư 25/2013 quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này đã quy định rõ: “Chỉ có Ngân hàng Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng; chi nhánh Ngân hàng Nước ngoài; Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân”.
Như vậy, những hành vi hưởng chênh lệch khi đổi tiền sẽ bị xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 88/2019. Theo đó, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với cá nhân nào có hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Nếu tổ chức vi phạm, mức xử phạt hành chính sẽ bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Cũng có thể thấy, các nhân viên ngân hàng được khảo sát đều rất mong muốn hỗ trợ cho khách hàng của mình. Thế nhưng họ lại không có khả năng thực hiện điều đó và nhu cầu đối với tiền mới vẫn rất cao. Chính vì thế các cuộc gọi nhờ đổi tiền lại gây thêm áp lực, làm giảm hiệu quả công việc của nhân viên ngân hàng, khi mỗi dịp Tết cận kề. Theo khảo sát của phóng viên tại thị trường chợ đen, giá tiền mới vẫn được thổi lên cao vào dịp lễ Tết này. Việc đổi tiền, tùy mệnh giá, tùy thời điểm và số lượng mà việc đổi tiền có thể chênh lệch dao động từ 10-30% so với mệnh giá. Hiện nay, trên mạng cũng đang có rất nhiều các trang web đổi tiền. Tuy nhiên, các hoạt động này đều sai quy định và không được pháp luật bảo vệ. Vì thế trong trường hợp xấu khi tham gia đổi tiền, người mua có thể gặp phải một số tình trạng như tiền bị rút ruột, hay tệ hơn đó là bị đổi cho tiền giả khiến cho tiền mất tật mang.
Thậm chí, giao dịch giữa người có nhu cầu đổi tiền và người đổi tiền thường diễn ra trên không gian mạng, giữa những người không quen biết. Đây có thể là mảnh đất màu mỡ để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc của người có nhu cầu, thậm chí kẻ xấu có thể sử dụng tiền giả để lừa đảo người có nhu cầu đổi tiền.
Tiền có mệnh giá nhỏ phí đổi cao hơn các mệnh giá khác từ 10 – 15%, còn lại phí đồng giá từ khoảng 6 – 8%. Thậm chí, một số chủ shop online còn “phá giá” để mức phí đổi chỉ có 2% cho các mệnh giá nhưng yêu cầu khách phải đặt cọc, chuyển khoản trước 10% giá trị tiền đổi và nhận hàng qua một bên thứ ba. Và khi nhận đủ hàng thì giao nốt số tiền còn lại.
Không chỉ vậy, chủ shop còn quảng cáo đổi tiền với số lượng lớn từ 100 triệu đồng trở lên sẽ có mức phí “mềm” hơn. Theo đó, các loại tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, đổi cọc 100 tờ mới sẽ mất phí lần lượt là 15.000 đồng và 20.000 đồng. Trong khi đó, cọc 100 tờ mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng sẽ mất phí lần lượt khoảng 180.000 đồng và 400.000 đồng. Không chỉ cá nhân, nhiều fanpage, hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới liên tiếp xuất hiện với hàng nghìn thành viên tham gia. Hầu hết đại lý đều đưa ra mức phí đổi từ 4 – 15%, tùy mệnh giá. Mức phí này sẽ thay đổi liên tục theo thời gian, càng cận tết sẽ càng tăng thêm khoảng 1 – 2%.