Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Uỷ ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bất động sản. Riêng về điều tiết thị trường bất động sản, qua thẩm tra sơ bộ có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cân nhắc tính hợp lý của quy định như tại dự thảo Luật về điều tiết thị trường bất động sản vì Dự thảo chưa làm rõ được khái niệm pháp lý “điều tiết thị trường”; chưa phân biệt được các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản với điều tiết thị trường nói chung và điều tiết các thị trường cụ thể khác nói riêng; chưa rõ tính quy phạm pháp luật, bắt buộc thực hiện của các quy định.
Quy định tại Điều 84 dự thảo Luật về các trường hợp thực hiện điều tiết thị trường chưa rõ tính định lượng “tăng bất thường”, “giảm bất thường”, “tác động lớn”; việc đánh giá mức độ biến động của thị trường bất động sản chỉ trên cơ sở “lượng giao dịch” là chưa đầy đủ, chưa đúng trọng tâm là chỉ thực hiện các biện pháp can thiệp khi biến động của thị trường bất động sản ảnh hưởng ở mức độ đáng kể đến ổn định kinh tế – xã hội.
Lý do nữa là quy định tại Điều 86 dự thảo Luật về các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản còn chung chung, chưa rõ ràng, không có nội hàm chính sách cụ thể; thực chất là nội dung quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước các cấp theo quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành có liên quan.
Loại ý kiến này cho rằng hầu hết các biện pháp cụ thể quy định tại dự thảo Nghị định chỉ có thể thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, tín dụng, đất đai, ngân sách, trái phiếu, giá… Trong đó, đã quy định rõ ràng, cụ thể về phân công, phân cấp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này quyết định linh hoạt việc áp dụng các công cụ, chính sách cụ thể theo thẩm quyền và phù hợp với mức độ, tính chất, thời điểm xảy ra biến động, điều kiện, tình hình kinh tế – xã hội và mục tiêu, định hướng phát triển của đất nước trong từng thời kỳ.
Dự thảo Luật chỉ giới hạn các biện pháp quyết định theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là không cần thiết vì đã có đủ cơ sở pháp lý tại Luật Tổ chức Chính phủ và các luật có liên quan để Chính phủ thực hiện công tác điều hành và các giải pháp thuộc thẩm quyền.
Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải thực hiện theo các quy định của các luật có liên quan. Loại ý kiến thứ nhất nhấn mạnh rằng, đặc biệt là một số biện pháp quy định tại dự thảo Nghị định có tính chất hạn chế quyền hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân (hạn chế số lượng loại bất động sản tối đa mà hộ gia đình, cá nhân được mua, bán trong một dự án bất động sản), quyền kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp (tạm dừng cấp mới chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án bất động sản để hạn chế nguồn cung).
Vì vậy, đề nghị không quy định một chương riêng về điều tiết thị trường bất động sản mà nghiên cứu, hoàn thiện quy định Điều 89 dự thảo Luật (quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản của các cơ quan trung ương) theo hướng trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, nếu nhận thấy biến động của thị trường bất động sản có khả năng ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định biện pháp điều tiết thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật.
Hoặc hoặc hoàn thiện quy định tại Điều 8 Dự thảo theo hướng ghi nhận nguyên tắc chung; nghiên cứu chuyển một số nội dung về báo cáo điều tiết thị trường bất động sản vào Chương X dự thảo Luật về quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản.
Loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định tại dự thảo Luật; tuy nhiên, đề nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định bảo đảm rõ ràng về mặt nội dung và tính quy phạm, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo hướng Nhà nước chỉ can thiệp khi biến động của thị trường bất động sản ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với loại ý kiến thứ nhất.
Theo dự kiến, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Uỷ ban Kinh tế lo ngại một số biện pháp điều tiết thị trường bất động sản có tính chất hạn chế quyền hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân , quyền kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
Sáng 12/4 trong phiên họp chuyên đề pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trước đó, vào sáng 10/4 Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra dự án luật này.
Báo cáo tại phiên thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (Dự thảo) có 1 nội dung hoàn toàn mới (Chương IX) gồm 4 điều quy định về: nguyên tắc điều tiết thị trường bất động sản; các trường hợp cần thiết thực hiện điều tiết thị trường bất động sản; đánh giá tình hình thị trường bất động sản; biện pháp điều tiết thị trường bất động sản.
Nội dung mới này nhằm điều tiết, bình ổn thị trường bất động sản trong các trường hợp khi thị trường tăng trưởng “nóng”, “đóng băng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giải thích.
Tổng Hợp
(ĐTCK)