Giá xăng đang là vấn đề được quan tâm Bộ Công Thương đã làm gì? Theo Bộ Công Thương, công tác điều hành giá xăng dầu luôn được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán,…
Tại cuộc họp ngày 8/2 do lãnh đạo Chính phủ chủ trì về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đã nêu vấn đề về việc điều hành sớm giá xăng dầu. Tuy nhiên, sau khi nghe ý kiến của một số bộ ngành, xét việc điều hành sớm trong giai đoạn Tết Nguyên đán (nhu cầu hàng hóa, đi lại tăng cao) sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý người dân vào giai đoạn đầu năm mới Âm lịch, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và tác động lớn đến CPI cả nước nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá xăng dầu theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 95/2022 (kỳ điều hành vào ngày 11/2).
Từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 (ngày 11/1) đến kỳ điều hành ngày 11/3 đã có 06 kỳ điều hành giá (6 kỳ đều tăng giá). Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 11/3 so với kỳ điều hành ngày 11/1 tăng từ 4.625 – 7.030 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 24,91 – 39,56%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết: Thời gian qua, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục xu hướng tăng là nguyên nhân chính tác động làm tăng chi phí đầu vào, qua đó tác động tăng giá xăng dầu trong nước và gây áp lực lên điều hành giá xăng dầu nói riêng, điều hành giá nói chung.
Trước áp lực như vậy, đi đôi với việc đánh giá đảm bảo nguồn cung, kiểm soát thị trường và tăng cường dự báo, thì điều hành giá xăng dầu đã cố gắng bám sát diễn biến thị trường; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, để giảm tác động tăng giá mặt hàng xăng dầu trong nước. Nếu không sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá thì biến động giá xăng dầu trong nước còn phức tạp hơn. Ngoài ra, cần tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền về điều hành giá xăng dầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Chính phủ, cơ quan điều hành khi điều hành giá xăng dầu cân nhắc rất nhiều chiều, nhiều yếu tố, phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân, mục tiêu quản lý CPI… tránh tạo ra tiền lệ, tránh để bản thân doanh nghiệp sử dụng sức ép đối với cơ quan điều hành để điều hành chỉ có lợi cho doanh nghiệp. Ở bối cảnh công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn, Bộ Công Thương kiên trì quan điểm phải sử dụng công cụ thuế, phí.
Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương – Bộ Tài chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 đồng đến 1.500 đồng/lít tùy loại nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; hỗ trợ việc duy trì nguồn cung xăng dầu từ các nguồn (kể cả nhập khẩu) cho thị trường và bảo đảm duy trì công cụ Quỹ Bình ổn ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.
Để bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường xăng dầu thời gian tới, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ Công Thương giao trong Quý II nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước thực hiện điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.
Phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu (doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng), khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công Thương, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Theo Bộ Công Thương, công tác điều hành giá xăng dầu luôn được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014 ngày 3/9/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021 ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại Nghị định số 95/2021 nêu trên, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng tức là 10 ngày điều hành/lần (trước đây là 15 ngày/lần), trường hợp giá xăng dầu có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và người dân, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng quyết định thời điểm điều hành giá cho phù hợp.
Tổng Hợp