Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP.HCM đến cuối năm 2021 mới chỉ đạt 21.04m2, thấp hơn so với bình quân cả nước năm 2020 là 24.4m2.
Tổng diện tích nhà ở xây mới trong 5 năm tới là 50 triệu m2. Trong đó, diện tích nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 31,98 triệu m2, diện tích nhà ở trong các dự án khoảng 15,52 triệu m2, nhà ở xã hội khoảng 2,5 triệu m2. Về định hướng phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, đối với khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, quận 3), TP.HCM phát triển nhà ở riêng lẻ theo quy hoạch, thiết kế đô thị, đơn giản hóa việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ để người dân cải thiện chỗ ở, nâng cao mức sống và thu nhập.
Các quận này cũng sẽ điều chỉnh quy hoạch 1/2000, xác định chỉ tiêu quy hoạch đối với tất cả vị trí chung cư hư hỏng theo hướng ưu tiên tăng quy mô dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng để đẩy nhanh thực hiện các dự án tháo dỡ chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm trước năm 2025. Đối với khu vực nội thành hiện hữu, thành phố sẽ lập đồ án thiết kế đô thị tại quận 4, quận 10 và quận Phú Nhuận để tạo cảnh quan mới. Đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển 02 dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân với quy mô khoảng 379 căn hộ.
Đặc biệt, thành phố khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội tại khu vực nội thành (gồm quận 7, quận Bình Tân, TP. Thủ Đức). Cụ thể, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực gần các cụm, khu công nghiệp để khuyến khích xã hội hóa xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê. Khu vực quận 7, Bình Tân sẽ phát triển 05 dự án nhà ở xã hội với quy mô 3.955 căn hộ, khu vực TP. Thủ Đức phát triển 05 dự án nhà ở xã hội với quy mô 4.352 căn hộ.
Tuy nhiên, một yêu cầu quan trọng trong việc phát triển các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, đó là phải chú trọng điều kiện và chất lượng sống của người dân ở đó, như không gian sống xung quanh, các tiện ích, các dịch vụ bổ trợ… Cần tránh vì giải quyết nhà ở trước mắt mà về lâu dài lại hình thành nên các khu vực có điều kiện sống kém, không phù hợp với đặc điểm của một thành phố lớn và phát triển năng động như TP.HCM.
Theo điều tra dân số và nhà ở, tại thời điểm đầu năm 2020, TP.HCM có khoảng 1,92 triệu căn nhà, trong đó, nhà ở riêng lẻ chiếm hơn 88%, còn lại là căn hộ chung cư. Mật độ nhà ở trung bình là 913 căn/km2, thấp nhất tại huyện Cần Giờ là 29 căn/km2, cao nhất tại quận 4 với 10.894 căn/km2. Trong đó, vẫn còn 13.770 căn nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ.
Một thống kê năm 2019 cho thấy, thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch, khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư… Như vậy, nhu cầu nhà ở của người dân thành phố là rất lớn và không ngừng tăng thêm, với quy mô mỗi năm thêm 200.000 người, chủ yếu là tăng cơ học (di cư).
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 24,4m2; khu vực đô thị đạt 25,1m2; khu vực nông thôn đạt 24m2. Trong khi đó, tại TP.HCM, tính đến tháng 6/2021, diện tích nhà ở bình quân đầu người mới chỉ đạt 20,65m2/người và sẽ phấn đấu nâng lên 21,04m2/người vào cuối năm 2021. Như vậy, diện tích nhà ở bình quân của thành phố là khá thấp so với mức chung của cả nước.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)