Không chỉ là khu vực có vị trí đặc biệt, có lợi thế về an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước.
Theo số liệu thống kê, đến nay cả nước có 1.139km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó khu vực phía Bắc có 898km, miền Trung có 127km, khu vực Đông Nam Bộ có 74km và khu vực ĐBSCL có 40km.
Tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc vùng ĐBSCL còn chậm so với quy hoạch được duyệt đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.
Tăng trưởng kinh tế bình quân chung của vùng ĐBSCL chỉ đạt 1,2%, một số địa phương tăng trưởng âm. Giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơn bình quân chung của cả nước nhưng vẫn còn chậm; đô thị hóa chưa tương xứng với yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ…
Một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến đời sống của người dân là do hệ thống hạ tầng giao thông chưa được khai thác đúng mức. Đường sắt hầu như chưa có, còn hệ thống đường bộ thì chưa có sự kết nối thông suốt và đồng bộ. Cả vùng ĐBSCL mới chỉ có hơn 40km đường cao tốc, trong khi đó có tới 80% khối lượng hàng hóa của vùng này phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại TP.HCM để xuất khẩu.
Hơn nữa, khu vực không có cảng lớn để trung chuyển hàng, do vậy hàng hóa phải luân chuyển từ TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ mất thời gian, dẫn đến giá thành vận chuyển cao, kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Tháng 4/2019, Thủ tướng đã có lời hứa với hơn 20 triệu người dân ĐBSCL về phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực. Thủ tướng nhấn mạnh cam kết này sẽ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời để giải quyết bức xúc hiện nay đối với ĐBSCL, trước hết là tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, trong đó tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận phải được thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, là một đoạn của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, kết nối từ TP. HCM – Cần Thơ dài 120km cũng như nhiều tuyến khác ở các tỉnh miền Tây. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này kết hợp với tuyến TP.HCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM – Cần Thơ.
Thời gian đi từ TP.HCM – Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so với 3 – 4 tiếng hiện nay, giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên QL1. Qua đó, tạo sự liên kết, từng bước phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 của VCCI cho thấy, khu vực này đang đang đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ trong phát triển kinh tế – xã hội.
Vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước, cụ thể đóng góp của khu vực vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 thập kỷ qua giảm mạnh. Năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì 2 thập niên sau, tỷ lệ này đã bị đảo ngược và duy trì cho đến nay.
Hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL luôn là điểm nghẽn khiến dòng tiền đầu tư đổ về khu vực này chưa đạt như kỳ vọng. Với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn thành trong tương lai sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, thu hút các nhà đầu tư từ lâu đã nghiên cứu vùng đất màu mỡ này.